4 tổ chức đại diện cho nhóm chủ nợ của Hy Lạp - Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ủy ban châu Âu (EC) và Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) đã đạt tiến triển cuối tuần trước về chi tiết kế hoạch cấp tới 86 tỷ euro (93 tỷ USD) cho nước này.
Giới chức rất lạc quan về việc đạt thỏa thuận, từ đó cho phép Quốc hội Hy Lạp thông qua các cải tổ cần thiết mới vào giữa tuần và mở đường cho một cuộc họp của nhóm bộ trưởng tài chính eurozone cuối tuần này. Hy Lạp cần được giải ngân nhanh 20 tỷ euro để hỗ trợ các ngân hàng và thanh toán các khoản nợ.
"EC, cùng IMF, ECB và ESM đang làm việc ngày đêm để hoàn tất biên bản ghi nhớ và danh sách những việc Hy Lạp cần làm để giới chức nước này hợp pháp hóa nhanh chóng. Chúng tôi đã có nhiều bước tiến và dự kiến tiến triển hơn nữa trong hôm nay và ngày mai", Annika Breidthardt - người phát ngôn EC cho biết tại Brussels (Bỉ) hôm nay.
Hy Lạp và các chủ nợ vẫn đang thảo luận chính xác bao nhiêu tiền sẽ được cấp trong gói cứu trợ. Tuy nhiên, họ cần thống nhất các cải tổ nào phải được thực hiện trước khi tiền được giải ngân.
Quan chức châu Âu đang chạy đua đạt thỏa thuận trước khi Hy Lạp đến hạn phải trả 3,2 tỷ euro cho ECB ngày 20/8 này. Tuy vậy, tình hình cũng sẽ không nguy cấp như đầu tháng 7. Nếu các lãnh đạo không thể giải ngân gói cứu trợ đúng hạn, Hy Lạp vẫn có thể yêu cầu một khoản vay ngắn hạn từ một quỹ của châu Âu hiện có 5 tỷ euro.
Các ngân hàng Hy Lạp có thể được bơm vốn ngay khi thỏa thuận cứu trợ hoàn tất. Số tiền này có thể lên tới 10 tỷ euro. Thậm chí, họ có thể được nhận trước khi ECB hoàn tất cuộc kiểm tra tình hình tài chính các ngân hàng – stress test. ECB cho biết các nhà băng Hy Lạp cần vốn khẩn cấp để bình thường hóa hoạt động.
Đầu tháng 7, Hy Lạp bị IMF tuyên bố vỡ nợ, khi không thể trả khoản tiền 1,5 tỷ euro đúng hạn cho cơ quan này. Sau nhiều cuộc đàm phán, đến ngày 13/7, nước này mới đạt thỏa thuận với nhóm chủ nợ về các điều khoản cải tổ cần thiết để bắt đầu đàm phán chính thức về gói cứu trợ thứ 3 trong vòng 5 năm qua. Quốc hội Hy Lạp đã thông qua vòng cải tổ kinh tế đầu tiên ngày 15/7. Sau đó, một số nước eurozone, như Đức và Phần Lan, cũng đã được Quốc hội cho phép xuất tiền cứu Hy Lạp. |
Hà Thu (theo Bloomberg)