Động thái này phản ánh sự giận dữ của Hy Lạp vì không được mời đến dự cuộc họp của các nước Balkan tại Vienna vào hôm 24/2. Cuộc họp nhằm phối hợp đưa ra những hạn chế biên giới trong khu vực, nhằm kiềm chế dòng di dân.
Tại cuộc họp, các quốc gia nằm dọc theo tuyến đường di dân di chuyển đồng ý siết chặt các biện pháp hạn chế người nhập cư, bao gồm đóng cửa biên giới, để ngăn chặn họ vào nước, khiến hàng nghìn người mắc kẹt ở Hy Lạp.
Bộ trưởng Ngoại giao Hy Lạp, Nikos Kotzias, tuyên bố Athens rút đại sứ "để giữ gìn mối quan hệ hữu nghị giữa nhà nước cùng nhân dân Hy Lạp và Áo".
Các quan chức Hy Lạp ước tính 20.000 người tị nạn và di dân mắc kẹt trong nước này do các hạn chế mới, bắt đầu khi Áo hôm 18/2 tuyên bố sẽ không cho phép quá 3.200 người vào nước này một ngày và chỉ chấp nhận 80 đơn xin tị nạn một ngày.
"Hy Lạp sẽ không trở thành Lebanon hay nhà kho của các linh hồn", Bộ trưởng Di trú Yiannis Mouzalas nói. Lebanon, nước có 4 triệu người, chứa một triệu người tị nạn từ cuộc nội chiến ở nước láng giềng Syria.
Các nước châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ Thế chiến II. Hơn một triệu di dân đã đến châu Âu năm 2015, chủ yếu là người chạy trốn khỏi xung đột ở các nước như Syria, Iraq và Afghanistan. Hơn 100.000 người đã đến Hy Lạp và Italy vào năm nay.
Ủy viên hội đồng di dân EU, Dimitris Avramopoulos, hôm qua nói rằng nếu dòng di cư không yếu đi trong 10 ngày tới, "có nguy cơ toàn bộ hệ thống sẽ sụp đổ".
Phương Vũ