Vài giờ sau khi các Bộ trưởng Quốc phòng của NATO nhất trí dùng lực lượng hàng hải của mình ở đông Địa Trung Hải để hỗ trợ việc chống lại những kẻ buôn người, chỉ huy cấp cao của NATO tướng Philip Breedlove cho hay ông đang khẩn trương soạn thảo nhiệm vụ này.
"Chúng tôi đang di chuyển tàu theo hướng phù hợp", ông Breedlove nói và cho biết kế hoạch sẽ được tinh gọn trong thời gian các tàu di chuyển trên đường. "Khoảng 24 giờ", Reuters dẫn lời ông nói.
Dù kế hoạch chi tiết sẽ được các tướng NATO công bố chi tiết sau, các tàu trên của liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương có khả năng sẽ phối hợp làm việc với tuần duyên Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp cũng như cơ quan biên giới Liên minh châu Âu (EU) Frontex.
Kế hoạch, được Đức và Thổ Nhĩ Kỳ nêu lên hôm 8/2, nhằm giúp châu Âu đối phó với cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ Thế chiến II. Hơn một triệu người tị nạn đã đến châu lục này vào năm ngoái. Dòng người không có dấu hiệu suy giảm, bất chấp thời tiết mùa đông khiến việc vượt biển trở nên nguy hiểm hơn.
Đức cho biết sẽ tham gian một phần trong nhiệm vụ của NATO, trong khi Mỹ, thành viên mạnh nhất tổ chức, ủng hộ hoàn toàn kế hoạch này.
Nhóm được gọi là Thường trực Hàng hải NATO số 2 có 5 tàu gần Síp, do Đức dẫn đầu cùng các tàu của Canada, Italy, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Breedlove cho biết NATO cần các nước thành viên đóng góp thêm để duy trì nhiệm vụ này. Đan Mạch dự kiến đóng góp một tàu. Hà Lan cũng sẽ chung sức.
Thông tin tình báo về những kẻ buôn người sẽ được bàn giao cho tuần duyên Thổ Nhĩ Kỳ để họ chống lại các đối tượng này hiệu quả hơn.
Các tàu của Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp sẽ hoạt động ở vùng lãnh hải riêng, do tính chất nhạy cảm giữa hai nước. Bất kỳ người tị nạn nào được các tàu NATO cứu cũng sẽ bị gửi trả về Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Breedlove cho biết NATO cũng sẽ giám sát biên giới trên đất liền giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria để ngăn chặn những đường dây buôn người.
Một thỏa thuận trị giá 3,4 tỷ USD giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm kiểm soát dòng người di cư vẫn chưa gây được tác động mạnh.
Anh Ngọc