Hôm nay, xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Hy Lạp bị Moody’s hạ liên tiếp 3 bậc, từ Caa1 xuống Ca, chỉ còn cách ngưỡng phá sản 1 bậc.
“Việc EU phải đưa ra một chương trình cứu trợ khẩn cấp hàm ý rằng, Hy Lạp đang phải đối mặt với một sự kiệt quệ về khả năng thanh toán. Trong điều kiện như vậy, khả năng vỡ nợ đối với trái phiếu của Hy Lạp đang tiền gần tới mức 100%”, báo cáo nhận định.
Việc nhận cứu trợ từ EU có thể khiến Hy Lạp vỡ nợ tạm thời. Ảnh: EPA |
Moody’s là hãng xếp hạng tín nhiệm thứ 2 đặt dấu báo động đỏ lên khả năng thanh toán của Hy Lạp. Cách đây ít ngày, Fitch cũng đã đưa ra cảnh báo về khả năng vỡ nợ “tạm thời” của nền kinh tế Nam Âu sau khi Athens chấp nhận gói cứu trợ thứ 2 từ cộng đồng châu Âu.
Tuy vậy, điểm tích cực của các bản báo cáo nói trên là cả 2 hãng xếp hạng tín nhiệm đều có cái nhìn lạc quan về tình hình tài chính của Hy Lạp trong dài hạn, cho dù nước này đang phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ trước mắt.
“Nhìn xa hơn, chương trình giải cứu của EU, tuy vậy, sẽ giúp Hy Lạp có thêm nguồn lực để ổn định lại thị trường tài chính, tiến tới giảm nợ quốc gia”, báo cáo của Moody’s đánh giá.
Cũng theo phân tích của hãng này, cùng với việc bơm thêm tiền, hạ lãi suất các khoản vay trước đó… chương trình trợ giúp của EU còn bao gồm việc giúp đỡ Hy Lạp mua lại nợ của khu vực tư nhân, tránh sự đổ vỡ của hàng loạt tổ chức tài chính trong khu vực. Theo thống kê của Viện Nghiên cứu tài chính quốc tế (IFF), tổng nợ của Hy Lạp hiện ở vào khoảng 485 tỷ USD, trong đó nợ đối với khu vực tư nhân chiếm 21%.
Một điểm đáng chú ý khác trong báo cáo của Moody’s là triển vọng xếp hạng của Hy Lạp được giữ ở mức “đang tiến triển” (developing), thay vì đánh giá “tích cực” hoặc “tiêu cực” như thông lệ.
Nhật Minh