-
22h00
Thủ tướng Hy Lạp vừa có bài phát biểu trên truyền hình nước này. Trong đó, ông tuyên bố sẽ vẫn thực hiện trưng cầu dân ý cuối tuần này và vẫn ủng hộ quan điểm chống thắt chặt. Ông cũng bác bỏ những lời kêu gọi của nhóm chủ nợ rằng nên biến sự kiện này thành cuộc bỏ phiếu có nên rời khu vực đồng euro hay không.
"Những người nói rằng chúng tôi có kế hoạch bí mật để rời khu vực đồng euro là nói dối. Tôi kêu gọi nói không với các điều khoản cứu trợ và nói có với triển vọng đạt được một giải pháp khả thi", ông cho biết.
Trong bài phát biểu, ông Tsipras cũng cam kết "các khoản tiền gửi sẽ không bị mất, lương hưu cũng không", đồng thời kêu gọi mọi người "mở ra trang mới cho sự dân chủ và hy vọng vào một thỏa thuận tốt hơn". Ông cho biết sẽ nhận hoàn toàn trách nhiệm về việc tìm kiếm giải pháp.
-
21h00
-
* Thời gian tính theo giờ Hà Nội. Giờ Athens = Giờ Hà Nội - 4
-
20h40
Tuy vậy, Tổng thống Pháp - Francois Hollande lại có quan điểm ngược với bà Merkel. Ông cho rằng hai bên cần có thỏa thuận ngay, thay vì chờ đến sau cuộc trưng cầu dân ý.
"Trách nhiệm của chúng ta là giữ Hy Lạp ở lại eurozone. Việc này tùy thuộc vào Hy Lạp...nhưng cũng phụ thuộc vào cả chúng ta nữa. Là một người dân châu Âu, tôi không muốn eurozone gặp trục trặc. Tôi không ủng hộ những bình luận quá cứng rắn và những bất hòa nghiêm trọng", ông nói.
-
20h20
Trong bài phát biểu trước Quốc hội chiều nay, Thủ tướng Đức - Angela Merkel cho biết Đức vẫn sẵn sàng khôi phục đàm phán về cứu trợ tài chính với Hy Lạp. Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh sẽ không tiến đến thỏa thuận bằng mọi giá.
Bà cũng gửi thông điệp đến Thủ tướng Tsipras rằng ông phải đáp ứng các điều kiện nếu muốn nhận thêm tiền cứu trợ, và Hy Lạp không đủ sức gây ra một "thảm họa kinh tế" tại châu Âu.
-
17h23
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh - Mark Carney cho biết tình hình tại Hy Lạp "vẫn rất dễ biến động. Và nếu cuộc khủng hoảng này trầm trọng lên, việc tái đánh giá rủi ro diện rộng trên các thị trường tài chính sẽ được thực hiện". Ông cũng tiết lộ họ đang "làm việc sát sao" với Bộ Tài chính Anh, Cơ quan Giám sát Dịch vụ Tài chính Anh (FCA) và những người đồng cấp châu Âu để phác thảo các kế hoạch khẩn cấp trong trường hợp Hy Lạp rời đi.
-
17h03
Bộ trưởng Tài chính Đức - Wolfgang Schäuble cho rằng đề nghị của Hy Lạp "không thể là nền tảng cho các giải pháp nghiêm túc", do thiếu "sự rõ ràng". Ông cũng cho biết họ luôn sẵn sàng nói chuyện, nhưng "chẳng có nền tảng nào để đàm phán nghiêm túc với Hy Lạp tại thời điểm này".
-
16h40
Thị trường châu Âu mở cửa phiên giao dịch ngày 1/7 với diễn biến tích cực sau thông tin Hy Lạp chấp nhận điều kiện đàm phán. Chỉ số FTSE Eurofirst 300 tăng 1,07%, trong khi Xetra Dax trên sàn chứng khoán Đức tăng 1,6%. Giá đồng euro cũng nhảy vọt.
-
16h30
Quan chức châu Âu cho CNN biết Hy Lạp sẵn sàng chấp thuận các điều kiện cứu trợ mà họ từng từ chối cuối tuần qua.
Financial Times dẫn bức thư Thủ tướng Hy Lạp - Alexis Tsipras gửi cho nhóm chủ nợ tối 30/6, trong đó ông cho biết sẽ chấp nhận tất cả điều kiện trên bàn đàm phán cuối tuần này, và chỉ đề xuất vài thay đổi nhỏ. Ví dụ như chính sách giảm thuế VAT đặc biệt 30% cho một số đảo nên được giữ nguyên, do nằm ở xa và khó cung cấp hàng hóa. Hay việc nâng tuổi nghỉ hưu lên 67 sẽ áp dụng từ tháng 10, thay vì ngay lập tức.
Gói cứu trợ của châu Âu đã hết hạn từ nửa đêm qua, bức thư này có thể làm nền tảng cho gói cứu trợ mới sẽ được đàm phán trong vài ngày tới.
Cùng với Financial Times, Bloomberg cũng đưa tin Hy Lạp chuẩn bị chấp thuận đề nghị của các chủ nợ.
-
15h49
Sản xuất của Hy Lạp đã giảm tháng thứ 10 liên tiếp. Theo công bố của HSBC và Markit Economics hôm nay, PMI nước này chỉ đạt 46,9 trong tháng 6, thấp hơn so với 48 tháng trước và là lần giảm mạnh nhất 2 năm qua. Tất cả các nước khác trong eurozone đều có PMI trên 50 - mốc cho thấy sản xuất có sự tăng trưởng.