Câu chuyện liệu Hy Lạp có vỡ nợ hay không đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của quốc tế những ngày qua, khi nước này để ngỏ khả năng thanh toán 1,6 tỷ euro trái phiếu và tiến hành trưng cầu dân ý về chính sách "thắt lưng buộc bụng" được các chủ nợ áp đặt. CNBC điểm lại một số vấn đề đáng chú ý về cuộc khủng hoảng đang xảy ra tại Hy Lạp.
1. Hy Lạp đang nợ bao nhiêu?
Hy Lạp nợ các chủ nợ nước ngoài khoảng 280 tỷ euro, bao gồm 242,8 tỷ euro từ các định chế tài chính như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ủy ban châu Âu (EC) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Khi các khoản lãi đến hạn vào tuần này, Hy Lạp cho biết không có tiền để thanh toán và cũng không chấp nhận tái cơ cấu để đổi lấy khoản tái cấp vốn. Điều này đã làm tăng nguy cơ vỡ nợ. Trước đó, các bên thỏa thuận về một gói tái cấp vốn trị giá 18 tỷ euro.
Năm 2012, các chủ nợ tư nhân đã giảm 75% số nợ cho Hy Lạp, nhưng các tổ chức quốc tế đã không đi theo cách này.
2. Tại sao cuộc đàm phán bị phá vỡ?
IMF, ECB và EC muốn Hy Lạp cắt giảm chi tiêu (chủ yếu là lương hưu và các khoản an sinh xã hội), đồng thời tăng thuế. Song, thực tế là Hy Lạp đã áp thuế suất cao tới 45% cho mức thu nhập tối thiểu 42.000 USD một năm, thuế giá trị gia tăng ở mức 23% và các thuế an sinh xã hội cũng cao hơn nhiều so với Mỹ. Tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức 25,6%, Thủ tướng Alexis Tsipras khẳng định Hy Lạp không thể chịu đựng thêm các biện pháp khắc khổ hơn.
3. Chính phủ Hy Lạp đã làm gì?
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras cuối tuần qua đã kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 5/7 tới để chống lại yêu cầu "thắt lưng buộc bụng", một biện pháp được cho là sẽ khiến các chủ nợ lùi bước. Quốc gia này cũng áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn để ngăn chặn việc chuyển tiền ra nước ngoài, hệ thống ngân hàng sẽ đóng cửa trong một tuần.
Hầu hết các giao dịch tiền tệ trong nước bị ảnh hưởng khi người dân mỗi ngày chỉ được rút tối đa 60 euro và các giao dịch quốc tế phải được phê duyệt. Điều này diễn ra trong bối cảnh Ngân hàng Hy Lạp cho biết số dư tiền gửi đã giảm mạnh kể từ tháng 4. Mặc dù châu Âu đã hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp cho các ngân hàng Hy Lạp, nhưng theo chuyên gia Huw Pill của Goldman Sachs, sự hỗ trợ này có thể kết thúc sớm.
"Chính phủ Hy Lạp đã nhiều lần nhấn mạnh đây không phải là một cuộc trưng cầu ý dân về việc liệu Hy Lạp có nên tiếp tục là thành viên của khu vực đồng tiền chung châu Âu không, nhưng chúng tôi cho rằng thực tế là như vậy", nhà kinh tế Diego Iscaro của IHS Global Insight cho hay.
Trong trường hợp không đạt được số phiếu cần thiết, vị trí thành viên của Hy Lạp trong khu vực eurozone sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Các chủ nợ sẽ không thay đổi quan điểm, và Chính phủ Hy Lạp cũng khó có thể chấp nhận các đề xuất hiện tại.
4. Khủng hoảng Hy Lạp ảnh hưởng thế nào đến thị trường châu Âu và Mỹ?
Thị trường chứng khoán châu Âu và Mỹ đã giảm mạnh hôm qua do những lo ngại về khả năng vỡ nợ của Hy Lạp. Tuy nhiên, tác động này có thể chỉ trong ngắn hạn. Một nghiên cứu của S&P về các cú sốc kinh tế xảy ra trong 70 năm qua cho thấy biến cố tương tự chỉ có thể khiến thị tường giảm điểm trong phiên giao dịch kế tiếp với mức trung bình 2,4%, và rồi sẽ được khôi phục trong khoảng 14 ngày.
"Hy Lạp đóng góp dưới 2% vào GDP của EU," chiến lược gia Sam Stovall của S&P cho hay. Do đó, việc Hy Lạp rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ không ảnh hưởng quá nhiều... Tuy nhiên, kịch bản này có thể khiến đồng tiền Hy Lạp giảm khoảng 10%, một điều chưa từng xảy ra kể từ tháng 10/2011.
Lịch sử cũng chứng minh những cú shock thường tạo ra cơ hội mua tài sản tốt hơn, chủ yếu vì những sự kiện như trên không làm thay đổi đáng kể tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Có thể nói, trong rủi ro còn tồn tại cả các cơ may.
5. Điều gì sẽ xảy ra nếu Hy Lạp rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu, hoặc buộc phải rời khỏi?
Một lượng tiền Hy Lạp (drachma) dự kiến có thể lưu hành trở lại, song sẽ mất giá mạnh, từ chỗ chỉ cần 340 drachma đổi một đôla Mỹ sẽ cần tới 1.000 drachma. Ngay cả trước khi Hy Lạp bị buộc phải rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu, cuộc hội đàm giữa các bên về thỏa thuận dùng hai đồng tiền song song không có nhiều triển vọng thành công.
6. Chương trình thắt lưng buộc bụng của IMF liệu có hiệu quả?
Không. Khắc khổ là hiển nhiên ở Hy Lạp kể từ khi chương trình tái cơ cấu nợ đầu tiên được phê duyệt trong năm 2010. Chính phủ nước này đã cắt giảm chi tiêu và tăng thuế nhằm tài trợ cho quá trình trả nợ. Tuy nhiên, chương trình này đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế: tỷ lệ thất nghiệp ở tăng gần gấp ba, tổng sản phẩm trong nước (GDP) giảm 100 tỷ euro mỗi năm, tương đương gần 30%, thâm hụt ngân sách lên mức 2% GDP dù các biện pháp thắt chặt được triển khai.
7. Ngành du lịch của Hy Lạp sẽ chịu ảnh hưởng thế nào?
Mỗi năm, Hy Lạp thu hút 17 triệu khách du lịch, gấp đôi dân số nước này. Lĩnh vực này cũng đóng góp 18% GDP, tạo ra một phần tư lượng công ăn việc làm cho đất nước.
Tuy nhiên, kinh tế bất ổn đã tác động không nhỏ đến tâm lý du khách. Các máy rút tiền không hoạt động, dòng tiền bị kiểm soát khiến một số cửa hàng không chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng. Nhưng heo thời gian, việc rời bỏ khu vực đồng euro và đồng tiền Hy Lạp mất giá sẽ khiến cho các kỳ nghỉ ở Hy Lạp trở nên rẻ hơn đối với du khách phương Tây.
Do đó, liệu việc này có thể kéo dài bao lâu và tác động thế nào đối với ngành khách sạn cũng như thương mại là điều khó dự báo. Chủ các khu nghỉ mát tại Hy Lạp đang chống lại đề nghị của các chủ sợ với mục tiêu chấm dứt hoặc cắt giảm thuế tại những khu nghỉ mát trên đảo và thuế giá trị gia tăng đối với nhà nghỉ.
Huyền Thư