“Vị trí của những hòn đảo này rất tốt. 40 đảo này đều nằm gần đất liền, có cơ sở hạ tầng phát triển và không thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia trong cùng một thời điểm. Luật pháp không cho phép chúng tôi bán những hòn đảo của quốc gia và chúng tôi cũng không muốn vậy”, ông Andreas Taprantzis, Chủ tịch của Quỹ cho biết trong một buổi họp báo mới đây tại Athen.
Quỹ Phát triển tài sản Hy Lạp có trách nhiệm thu về 50 tỷ Euro (64 tỷ USD) từ những tài sản công cho tới năm 2020. Nếu đạt được mục tiêu đó, Hy Lạp sẽ đủ điều kiện để nhận tiếp gói cứu trợ 240 tỷ Euro từ quốc tế. Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras cho biết, việc khai thác thương mại một số hòn đảo có thể làm hài lòng những người cho vay để họ tiếp tục tài trợ cho quốc gia này.
40 hòn đảo này có diện tích từ 500.000 m2 đến 3.000.000 m2. Tất cả đều có thể trở thành những khu nghỉ dưỡng, du lịch cao cấp với thời hạn cho thuê từ 30 đến 50 năm.
Hoạt động cho thuê đảo này có thể giúp Hy Lạp thỏa mãn điều kiện cho gói cứu trợ kế tiếp. Ảnh Bloomberg. |
Năm 2010, các thông tin từ thế giới cho biết Hy Lạp có thể trả nợ bằng cách bán đi một phần lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, Athens đã phẫn nộ, đồng thời khẳng định sẽ không có bất kỳ phần lãnh thổ nào được đem ra đấu thầu. Giờ đây, khi cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng hơn, chính phủ Hy Lạp phải xem xét lại vấn đề này.
Hy Lạp dự kiến thu về 19 tỷ euro (23,8 tỷ USD) từ việc bán tài sản quốc gia mỗi năm, trong đó một nửa là bất động sản, đồng thời cắt giảm chi tiêu quốc phòng để đáp ứng các điều kiện trong gói cứu trợ. Chương trình bán tài sản quốc gia của chính phủ Hy Lạp được coi là chìa khóa để có được các khoản cứu trợ của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Nguyễn Tâm (theo Bloomberg)