Gốm Cây Mai - Đề ngạn Sài Gòn xưa và Gốm Sài Gòn cung cấp thông tin về niên đại, nguồn gốc, đặc điểm, phân loại, nơi sản xuất... các dòng gốm một thời. Bộ sách là kết quả cộng tác giữa nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng với nhóm tác giả: Nguyễn Đại Phúc, Lưu Kim Chung, Nguyễn Đức Huy, Nguyễn Anh Kiệt, Hồ Hoàng Tuấn.
Tác giả Lưu Kim Chung cho biết đội ngũ thực hiện gặp khó khăn khi truy tìm chủ nhân của các dòng gốm trên vì các sản phẩm đã thất truyền. "May mắn trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi lần theo các thư tịch cổ, tài liệu xưa cũng như minh văn bằng chữ Hán trên các sản phẩm gốm. Chúng tôi tìm gặp được một số người là hậu duệ của các nghệ nhân làm gốm xưa và có cơ hội kiểm chứng, đối chiếu với những thông tin thu thập được để sửa chữa, bổ khuyết vào nội dung cho các tập sách".
Theo ông Huỳnh Ngọc Trảng, những sản phẩm sưu tầm phải gắn với lịch sử của từng cộng đồng. Việc nghiên cứu những di sản mỹ thuật truyền thống góp phần giữ gìn giá trị lịch sử, văn hóa. Tác giả nói: "Mỗi món đồ dùng đều lưu giữ những ký ức của cha ông chúng ta. Sưu tập đồ cổ không hề giống với việc mua chiếc điện thoại đời mới, không phải để chứng tỏ bản thân có nhiều tiền". Nhóm hiện còn hoàn thành quyển Gốm Lái Thiêu.
Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng sinh năm 1952, quê ở Quảng Ngãi. Ông nguyên là nghiên cứu viên của Phân viện Văn hóa nghệ thuật (TP HCM). Ông có nhiều công trình nghiên cứu về phong tục tập quán, văn hóa dân gian Nam bộ như Hát sắc bùa Phú Lễ, Ông Địa - tín ngưỡng và nghi lễ, Đặc khảo về tín ngưỡng thờ gia thần...
Ngọc Trúc