Sáng 20/6, tại Đường sách TP HCM, ông Huỳnh Ngọc Trảng chia sẻ về chặng đường thực hiện công trình nghiên cứu mang nét văn hóa, lịch sử, xã hội của vùng đất Nam bộ. Ông cho biết đã dành 11 năm sưu tập các bài vè miền Nam, sau đó phát triển thành dự án nghiên cứu bao quát hơn.
Công trình gồm sáu tập: Truyện kể dân gian Nam bộ, Ca dao Nam bộ, Vè và thơ vè lịch sử xã hội Lục tỉnh Nam Kỳ, Truyện thơ, Tuồng và thơ tuồng dân gian Nam bộ, Tục ngữ và câu đố. Mỗi tập có tiểu luận giới thiệu về từng thể loại kèm sưu tập văn bản các tác phẩm. Chẳng hạn, tập Truyện kể dân gian Nam bộ, tác giả chia thành 13 bộ, tập hợp truyền thuyết về những anh hùng thời kháng chiến chống Pháp như ông Nguyễn Trung Trực, Trương Định, Thiên Hộ Vương, Đốc Binh Kiều... cùng truyền thuyết về chư tăng và các ông Đạo - vốn là các bậc Chư tăng cùng những lưu dân vào vùng đất phía Nam để đánh cọp, khai hoang, lập nên chùa chiền, xây dựng lên thiết chế làng xã như đình, chùa, miếu... Được thực hiện từ năm 2017, Tổng tập văn học Nam bộ dự kiến hoàn thành cuối năm nay.
Nhà nghiên cứu cho biết ông gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện công trình, từ khâu chọn nguồn, phân chia thể loại, đến thể hiện các dữ liệu. Trong đó, khâu hoàn thiện là quan trọng nhất vì ông vừa phải bổ sung những điều thiếu, kịp thời đính chính các thông tin sai và phát hiện những nét mới. "Tôi may mắn có vợ bên cạnh, người luôn giúp đỡ, động viên và đóng góp cho sự thành công của công trình nghiên cứu này", ông nói.
Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng sinh năm 1952, quê ở Quảng Ngãi. Ông nguyên là nghiên cứu viên của Phân viện Văn hóa nghệ thuật (TP HCM). Ông có nhiều công trình nghiên cứu về phong tục tập quán, văn hóa dân gian Nam bộ như Hát sắc bùa Phú Lễ, Ông Địa - tín ngưỡng và nghi lễ, Đặc khảo về tín ngưỡng thờ gia thần...
Tổng tập văn học dân gian Nam bộ là một trong những công trình nghiên cứu đầu tiên được quỹ Hoa Sen tài trợ. Quỹ thành lập vào ngày 28/12/2016, theo quyết định của Ủy ban Nhân dân TP HCM, nhằm góp phần thúc đẩy giáo dục khai phóng, giáo dục không vì lợi nhuận và bảo tồn văn hóa.
Thùy Linh