Ngày 16/12, phiên phúc xử Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm tiếp tục với phần thẩm vấn. VKSND Tối cao cho biết vẫn giữ nguyên quyết định kháng nghị tăng hình phạt đối với bị cáo Võ Anh Tuấn (nguyên phó giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè) và Đào Thị Tuyết Dung về hành vi giúp sức cho Như chiếm đoạt 4.000 tỷ đồng.
Trình bày với HĐXX, bị cáo Như thừa nhận toàn bộ hành vi, thủ đoạn chiếm đoạt số tiền "khủng" của 3 ngân hàng, 9 công ty và 3 cá nhân như cấp sơ thẩm cáo buộc. Huyền Như không kháng cáo về hình phạt, chấp nhận mức án chung thân và chỉ xin HĐXX xem xét việc xin lại căn biệt thự thuộc dự án The Nam Hải tại Quảng Nam cho mẹ.
Các bị cáo khác vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, riêng Nguyễn Thị Việt Yên (nguyên cán bộ Vietinbank) thay đổi nội dung kháng cáo từ kêu oan sang xin giảm nhẹ hình phạt.
Bị cáo Như cho biết, từ năm 2001 là cán bộ tín dụng ngân hàng Vietinbank. Đến tháng 6/2010 được bổ nhiệm thêm quyền trưởng phòng và hơn một năm sau (tháng 9/2011) được bổ nhiệm chức vụ Phó phòng quản lý rủi ro của Vietinbank.
Trả lời HĐXX về việc có văn bản pháp luật nào quy định về việc cho phép ngân hàng này mang tiền sang ngân hàng khác lấy lãi. Huyền Như khẳng định không có quy định nào cho phép ngân hàng thông qua các cá nhân và ngân hàng khác để gửi tiền tiết kiệm kiếm lời. Bị cáo cũng thừa nhận việc bản thân là cán bộ tín dụng ngân hàng nhưng đi huy động vốn của ngân hàng khác là sai.
Những câu hỏi của HĐXX về các loại tài khoản khách hàng được mở và quy trình mở những tài khoản này, Huyền Như cho rằng, mỗi khách hàng được phép mở hai loại tài khoản gồm tài khoản thanh toán và tài khoản tiền gửi tiết kiệm. Quy chế mở những tài khoản này được quy định rõ trong hai văn bản khác nhau của Ngân hàng Nhà nước là văn bản 1284 (mở tài khoản thanh toán) và 1160 (mở tài khoản tiết kiệm).
Bị cáo cho biết không thường xuyên cập nhật các văn bản quy chế của Ngân hàng Nhà nước về việc quản lý tài khoản của khách hàng mà chỉ khi cần mới tìm hiểu để đối chiếu. Tuy nhiên, bị cáo tỏ ra nắm khá rõ và chính xác các quy định về việc mở và quản lý tài khoản và được HĐXX nhận định là “có trí nhớ khá tốt”.
Theo bị cáo Như, cá nhân và tổ chức được phép mở tài khoản thanh toán, nhưng đối với tài khoản tiết kiệm thì tổ chức pháp nhân không được phép mở. Bởi nhiệm vụ của pháp nhân cũng như các ngân hàng là phải để tiền liên tục lưu thông trên thị trường. Nguyên trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ ngân hàng Vietinbank cũng đồng ý với ý kiến của vị chủ tọa cho rằng, chỉ có những cá nhân khi không sử dụng tiền vào hoạt động kinh doanh mới mở tài khoản tiết kiệm để có được khoản lời nhỏ.
Cũng với những câu hỏi nói trên HĐXX lần lượt hỏi người đại diện của các ngân hàng: ACB, Vietinbank, Navibank và Ngân hàng Nhà nước để xác minh. Trả lời, người đại diện của Ngân hàng ACB cho rằng Luật các tổ chức tín dụng 2011 cho phép các ngân hàng được phép ủy thác tiền gửi sang ngân hàng khác. Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Hùng đại diện cho Vietinbank khẳng định không có bất kỳ quy định nào của pháp luật cho phép các ngân hàng được ủy thác cho nhân viên của mình đem tiền sang ngân hàng khác gửi để lấy lãi suất.
“Cùng một câu hỏi, một văn bản pháp luật quy định, nhưng đại diện hai ngân hàng lại có hai cách hiểu khác nhau. Có lẽ, bởi quyền lợi của hai bên đang đối lập”, vị chủ tọa nêu ý kiến sau phần trả lời của đại diện Ngân hàng ACB và Vietinbank khiến khán phòng xôn xao.
Về phần quy trình thủ tục mở, quản lý tài khoản, sự khác nhau của hai loại tài khoản thanh toán và tiền gửi tiết kiệm đại diện các ngân hàng đều đồng ý với phần trả lời của Huyền Như. Đại diện của Ngân hàng Navibank cũng có quan điểm giống với phần trả lời của ngân hàng ACB.
Được mời lên xét hỏi sau cùng về nội dung trên, đại diện của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tài khoản tiền gửi tiết kiệm và tài khoản thanh toán khác nhau về hồ sơ mở tài khoản. Đối tượng mở tài khoản tiết kiệm là cá nhân còn đối tượng mở tài khoản thanh toán có thể vừa cá nhân vừa tổ chức. Đối với câu hỏi quy định của Ngân hàng nhà nước về việc có cho phép các ngân hàng được đem tiền của mình đi gửi ở ngân hàng khác lấy lãi không thì vị đại diện từ chối trả lời sau một hồi lòng vòng viện dẫn luật. Phần trả lời của đại diện Ngân hàng Nhà nước gây sự bất ngờ cho HĐXX cũng như nhiều người có mặt tham dự phiên tòa.
HĐXX sau đó quay trở lại thẩm vấn Huyền Như về thủ tục và các điều kiện để cá nhân hoặc tổ chức mở tài khoản tại ngân hàng. Theo bị cáo Như, thủ tục mở tài khoản tiền gửi là chủ tài khoản phải cung cấp hồ sơ pháp lý hợp lệ. Đối với tổ chức phải có giấy đăng ký kinh doanh, chủ tài khoản hợp pháp gồm giám đốc hoặc phó giám đốc, kế toán trưởng…, bộ dấu và chữ ký, còn tài khoản tiết kiệm của cá nhân phải có chứng minh nhân dân, chữ ký mẫu. Sau khi khách hàng cung cấp đủ hồ sơ mở tài khoản thì cấp trưởng phòng hoặc phó phòng giao dịch sẽ ký duyệt. Đối với hồ sơ của pháp nhân thì phải trình lên ban giám đốc.
Cũng với câu hỏi này, đại diện Ngân hàng ACB đã bổ sung thêm phần trả lời của Huyền Như rằng phải có giấy đề nghị mở tài khoản trong đó có chữ ký mẫu của khách hàng. Trong trường hợp mở tài khoản tiết kiệm người mở tài khoản phải trực tiếp đến phòng giao dịch.
Liên quan đến câu hỏi này đại diện Vietinbank cũng khẳng định mọi giao dịch liên quan đến tiền mặt đều bắt buộc chủ tài khoản phải có mặt tại phòng giao dịch. Trong trường hợp tiền được chuyển từ tài khoản thanh toán sang tài khoản tiết kiệm thì giao dịch viên sẽ tiếp nhận lệnh chi từ tài khoản thanh toán sang tài khoản tiết kiệm. Nhưng người có ý định thực hiện giao dịch này vẫn phải mở tài khoản riêng và đương nhiên khách hàng phải đến phòng giao dịch để ký hồ sơ. “Nếu khách hàng không đến ngân hàng thì tài khoản này không thể mở được”, đại diện Vietinbank khẳng định.
Trả lời câu hỏi của HĐXX về các quyền của chủ tài khoản, bị cáo Như cho rằng, khách hàng có quyền yêu cầu ngân hàng thực hiện lệnh chi theo yêu cầu, kiểm tra số dư tài khoản, thông báo với ngân hàng về những sai sót khi phát hiện trong quá trình giao dịch. Còn ngân hàng thì có nghĩa vụ thực hiện các lệnh của chủ tài khoản, thông báo những biến động số dư trên tài khoản theo yêu cầu của chủ tài khoản.
Khi ngân hàng nhận được lệnh chi của khách hàng là pháp nhân thì trước khi thực hiện lệnh chi này phải kiểm tra mẫu dấu, chữ ký của người mở tài khoản, giao dịch viên nhận lệnh thì kiểm tra đối chiếu sau đó trình kiểm soát viên ký. Lúc này lệnh chi mới phát sinh hiệu lực. Ngân hàng sẽ phải từ chối trong trường hợp đối chiếu mẫu con dấu, chữ ký không đúng.
“Đó là quy trình đúng, nhưng trên thực tế lại khác đúng không?”, vị chủ tọa đặt câu hỏi. Bị cáo Như cho rằng, trên thực tế bằng mắt thường rất khó phát hiện được con dấu và chữ ký giả. “Bị cáo nói như vậy thế tất cả các ngân hàng khác thì họ làm thế nào để phát hiện chữ ký, con dấu giả”, vị thẩm phán tiếp tục truy vấn nhưng bị cáo Như im lặng.
Bị cáo Như cũng thừa nhận tiền của khách hàng khi chuyển vào tài khoản đều được hoạch toán trong hệ thống Ngân hàng Vietinbank nhưng cho rằng không nhớ tiền của khách hàng được hoạch toán vào thời điểm nào. Trả lời nội dung này, đại diện Vietinbank cho rằng, tiền gửi của khách hàng được hạch toán ngay khi chuyển tiền vào tài khoản của Vietinbank và phát sinh các nghĩa vụ của ngân hàng.
Kết thúc buổi làm việc sáng nay, HĐXX đã chuyển sang phần xét hỏi của VKSND Tối cao. Chiều nay, phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi.
Hải Duyên