Ông Đào Xuân Yên, Chánh văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết thông tin trên, ngày 17/3. "Những tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm (nếu có) phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm", ông Yên dẫn chỉ đạo của Thường trực Tỉnh uỷ nói và cho hay, kết quả xác minh phải báo cáo Tỉnh ủy trước ngày 30/3.
Cổng trung tâm hội nghị huyện Yên Định. Ảnh: Lam Sơn. |
Trước đó, nhiều người dân ở huyện Yên Định gửi đơn đến các cơ quan chức năng về việc Huyện uỷ, UBND huyện này mắc nợ họ nhiều khoản tiền. Các khoản nợ gồm tiền sửa xe, mua sắm bàn ghế, tổ chức tiếp khách, ăn uống; tiền khen thưởng cho cá nhân, tập thể trên địa bàn...
Ông Lưu Vũ Lâm, Chủ tịch UBND huyện Yên Định thừa nhận, Huyện ủy đang nợ khoảng 29 tỷ đồng, UBND huyện nợ 23 tỷ đồng.
Theo ông Lâm, số nợ chủ yếu tập trung trong giai đoạn 2013 - 2015 và được chi tiêu vào công việc chung. "Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, những người cho vay tìm đến cơ quan huyện gây áp lực đòi nợ. Sau đó, huyện đã trích một số tiền tiết kiệm từ nguồn chi thường xuyên trả nợ cho những trường hợp có hóa đơn, thanh lý hợp đồng rõ ràng", ông Lâm nói.
Ngoài ra, Chủ tịch huyện Yên Định cho rằng, một số trường hợp dù được vay mượn, ký nợ để sử dụng vào việc công song không có hóa đơn, chứng từ rõ ràng nên không thể giải quyết.
Bà Ngô Thị Hoa, nguyên Chủ tịch UBND huyện Yên Định giai đoạn 2012 - 2015 (nghỉ hưu năm 2015) cũng xác nhận, trong thời gian bà đương chức, việc chi tiêu và nợ nần nhiều người (cả trong và ngoài cơ quan) bà có biết nhưng "con số cụ thể nợ bao nhiêu, chi như thế nào thì không nắm rõ".
"Giai đoạn đó huyện xây dựng mô hình nông thôn mới nên phải tiếp đón nhiều đoàn khách trung ương, địa phương và các tỉnh, thành về tham quan, học tập", bà Hoa nói.
Yên Định là huyện đồng bằng, nằm cách TP.Thanh Hóa gần 30 km, được Thủ tướng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015. Năm 2019, thu ngân sách địa phương đạt gần 1.150 tỉ đồng, thu nhập bình quân đầu người hơn 41 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,52%...