Suốt gần một tháng nay, câu chuyện về Huyền Chip đã tạo ra nhiều cuộc tranh luận lớn nhỏ trong cộng đồng mạng Việt Nam. Ngày 7/10, độc giả Trần Ngọc Thịnh – người gửi đơn kiến nghị về cuốn sách "Xách ba lô lên và đi" đã công khai bản giải trình 31 trang của tác giả Huyền Chip lên Facebook cá nhân. Trước đó, độc giả Trần Ngọc Thịnh đã đặt câu hỏi về thái độ im lặng và sự nhận lỗi "qua loa" của Huyền Chip.
Việc công khai trên của anh vấp phải sự phản đối của không ít người khi cho rằng anh đang muốn “truy” đến cùng một cô gái mới 23 tuổi.
“Tuổi trẻ trong một thời khắc nào đó, trong một tình huống cụ thể, hạn hữu nào đó dẫu có "hơi quậy" một tí, "hơi cuội" một tí nhưng họ không vi phạm luật pháp, không làm hại đến ai, đến xã hội, không vì mục đích trục lợi đê tiện, xấu xa, thì cũng nên cảm thông. Tôi chắc nhiều người lúc trẻ cũng có thể đã có những hành động tương tự, nhưng họ vẫn hoàn toàn xứng đáng là những người tốt, sau đó. Tôi xin kiến nghị nên dẹp cái vụ "lùm xùm" này đi. Không ai phải xin lỗi ai cả!” – một bạn đọc tên Quang bình luận.
Độc giả có nickname Lamsabacu chia sẻ: “Thật không hiểu anh Trần Ngọc Thịnh tại sao có thái độ phản đối đến cùng với cô gái bé nhỏ vậy. Muốn hiểu được cô bé thì hãy đặt mình vào vị trí, tuổi tác của cô ấy để suy nghĩ, và hãy làm giống như cô ấy, đi khắp nơi như cô bé ấy để trải nghiệm đi. Với độ tuổi ấy mà làm được như vậy là vô cùng hiếm và rất đáng khâm phục rồi”.
“Đành rằng Huyền Chip có một chút gian dối, nhưng cũng thừa nhận rồi. Còn trẻ như em ấy mà đã đi được nhiều nước, dù mục đích chuyến đi là gì hay ai hỗ trợ cũng không quan trọng. Chúng ta cần có cái nhìn bao dung hơn, việc đòi "công lý", "sự thật" đến cùng như vậy chẳng những khiến Huyền Chip tổn thương mà chính anh Thịnh cũng tổn thương. Đã đến lúc dừng lại rồi, anh Thịnh ạ!”. Một ý kiến của thành viên Trangsy trên mạng xã hội Vitalk.
Facebooker Nam Hoang đưa ra lời khuyên nhủ với độc giả Trần Ngọc Thịnh: “Là đàn ông nên rộng lượng một chút. Mình cũng không thích việc Huyền Chip viết không trung thực, nhưng sách cũng là sản phẩm thương mại mà. Một câu chuyện được tô vẽ sẽ khiến người ta chú ý hơn, doanh thu cao hơn. Không chỉ Huyền Chip mà nhiều cuốn sách cũng như vậy. Miễn là điều đó không gây hại gì cho xã hội thì thôi, ai thích đọc thì cứ đọc”.
“Tôi nghĩ anh Thịnh và Huyền Chip đều cứng đầu và cá tính như nhau. Có khi 2 người gặp nhau nói chuyện thì mọi việc sẽ đơn giản hơn nhiều. Sách bán ra rồi, Huyền Chip cũng thừa nhận vượt biên và cường điệu nội dung. Mỗi bạn đọc cũng có những suy luận của riêng mình. Ai cũng xăm soi cái sai của Huyền Chip mà không nhìn mặt tích cực, vùi dập em ấy đến cùng, có ác quá không?”, bạn Phương Thu bức xúc.
Tuy nhiên, nhiều người sau khi đọc xong bản giải trình 31 trang đã khẳng định rằng, Huyền Chip tiếp tục lộ ra những gian dối trong chuyến hành trình đi 25 nước. Nhiều ý kiến đánh giá thấp văn hoá ứng xử của Huyền Chip khi cô vẫn “im thin thít”, không một lời xin lỗi chính thức đến độc giả.
Facebooker Tuấn Oza dẫn chứng: “Mọi người hãy thử đọc vài đoạn của cuốn sách đi rồi tự cho mình câu trả lời. Một cuốn sách được biên tập cẩu thả và tác giả không có thái độ cầu thị là điều không nên. Cảm ơn anh Thịnh, cảm ơn anh vì đã đấu tranh vì sự thật!”
Bạn đọc Phạm Minh Trang lại đưa ra yêu cầu Huyền Chip phải có thái độ rõ ràng với người đọc: “Đọc xong bản giải trình thấy rất nhiều vấn đề. Càng ngày càng nhiều sự dối trá và mập mờ. Huyền Chip thừa nhận có cường điệu trong sách nhưng cái cơ bản là lời xin lỗi chính thức đến độc giả thì vẫn chưa có? Chưa nói đến việc ai thắng trong sự việc, tôi nghĩ một người cần biết tiếp thu nhận xét và sửa sai. Văn hoá xin lỗi của Huyền Chip ở đâu?”
Facebooker Tran Vo cho rằng những đòi hỏi của Trần Ngọc Thịnh hoàn toàn chính đáng khi anh chỉ cần sự rõ ràng và một cung cách ứng xử văn minh, có lỗi thì xin lỗi, cái gì không thật thì phải nói là không thật, có sai thì phải chịu. "Đó không phải sự nhỏ nhen, ganh tị”, bạn này kết luận.
Thành viên Đoi Qua trên mạng xã hội Vitalk bày tỏ: “1 like cho Trần Ngọc Thịnh. Việt Nam có hàng giả, sữa giả, clip âm nhạc đạo ý tưởng, đạo văn, đạo luận án luận văn đủ rồi, bây giờ không cần "truyền cảm hứng cho giới trẻ" hay "đại diện cho thế hệ trẻ tương lai" bằng những câu chuyện khuếch trương như thế này nữa. Hãy để cho độc giả Việt Nam có được một nền văn học trong sạch hơn đi”.
Cổ động cho hành động quyết liệt của Trần Ngọc Thịnh, facebooker TsienLoong cho biết việc làm này ở nhiều nước trên thế giới là bình thường theo tiêu chí "không nên dễ dãi với những sản phẩm văn hoá và bao dung cho sự dối trá.”
>> Xem thêm: Tóm tắt giải trình 31 trang của Huyền Chip