Đó là lời chia sẻ độc giả Lê Tuấn khi tranh luận về vấn đề đơn kiện của một độc giả, đòi tạm ngừng phát hành cuốn nhật ký “Đừng chết ở châu Phi” của Huyền Chip, khiến Nhà xuất bản Văn học yêu cầu tác giả phải làm rõ các nghi vấn về cuốn sách.
“Tại sao chúng ta lại không tin Huyền đã đi 25 nước mà có 700 USD? Các bạn không thấy Đường Tăng trong tiểu thuyết Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân đi qua vài chục nước mà có mất đồng nào đâu, thậm chí còn thỉnh được chân kinh. Cũng như Kim Dung có biết võ công đâu mà truyện của ông rất nhiều người đọc và hầu hết đều dựng thành phim”, độc giả Thanh Phương nói. “Bạn nói hay quá, nếu Đường Tăng không có Tôn Ngộ Không thì sao lấy được chân kinh. Vấn đề ở đây là chúng tôi muốn biết Tôn Ngộ Không của Huyền Chip là ai?”, bạn đọc Đỗ Vân Hường phản bác.
Có lẽ những tranh cãi xung quanh tác phẩm nhật ký “Xách ba lô lên và đi” của tác giả trẻ bút danh Huyền Chip (tên thật là Nguyễn Thị Khánh Huyền) vẫn chưa có hồi kết khi mới đây nhất một độc giả có tên Trần Ngọc Thịnh đã gửi kiến nghị lên Cục xuất bản đề nghị thu hồi hai tập của cuốn sách vào chiều 26-9.
Trong bức thư, độc giả Trần Ngọc Thịnh đưa ra nhiều nghi vấn xung quanh tính xác thực của cuốn sách: Liệu Huyền Chip có đi đủ 25 nước? Cô chuẩn bị kỹ trước chuyến đi hay chỉ có 700 USD trong túi khi khởi đầu hành trình? Liệu Huyền tự túc trong hành trình của mình hay được tài trợ?... Bên cạnh đó, độc giả này còn chỉ ra những điểm theo anh là phi lý trong nội dung cuốn sách và đánh giá Huyền Chip khá nặng lời.
“Anh thắc mắc như thế là đúng, không những anh mà chúng tôi cũng hoài nghi về điều đó. Vậy mà tác giả Huyền Chip dường như có ý lảng tránh những câu hỏi, hoặc trả lời một cách không rõ ràng, thậm chí còn cay cú với độc giả. Huyền Chip như vậy là thiếu sự tôn trọng, càng làm người ta nghi ngờ về tính chân thực của sự kiện”, nickname MDG nói.
Còn bạn đọc Linh Hoàng bức xúc: “Hôm nay tôi đã đọc được nhiều đoạn trong sách của em và tôi cho rằng em huyễn hoặc quá nhiều về bản thân. Đi đến đâu em cũng là nhân vật quan trọng bậc nhất, có người này yêu, người kia đón, rồi người kìa thán phục”.
“Em lang thang giữa đất châu Phi mà lúc nào cũng được cho ở biệt thự (??). Lúc thì em được một người gặp giữa đường mời làm quản lý nhà hàng, lúc thì làm marketing quốc tế cho một tập đoàn lớn trong vòng 2 năm (dù đang đi phượt, chuyên môn thì không có), rồi làm ở sòng bạc thì quen biết bao nhiêu là triệu phú, có người còn có thể cho em đủ tiền đi vài vòng quanh thế giới mà không cần phải tìm việc nữa”.
“Em chơi trò gì cũng không thua, thắng bạc dân chuyên nghiệp đến hẳn 5 ván. Em đi lại, leo núi với tốc độ và sức bền như siêu nhân. Rồi hết anh đầu bếp người Ý trẻ măng ngưỡng mộ em lại đến một ông tỷ phú già từng đầu tư 1 tỷ USD vào Tanzania mon men tiếp cận làm quen với em nhưng em ngoảnh mặt không thèm. Còn có nơi còn truyền miệng nhau coi em như một huyền thoại… thì hỏi sao người đọc chúng tôi không hoài nghi về một cuốn nhật ký như thế”.
“Cuốn sách sẽ không có gì đáng bàn nếu đó là một cuốn tiểu thuyết hư cấu. Tôi nghĩ độc giả khi đã bỏ tiền ra mua sách thì họ có quyền thắc mắc thậm chí yêu cầu ngừng phát hành khi quyền tiếp cận tính chân thực của họ bị ảnh hưởng. Nếu một cuốn sách mang tính trải nghiệm nhưng lại hư cấu quá nhiều thậm chí bịa ra tình huống sẽ rất nguy hiểm khi người đọc dựa vào đó để lấy kinh nghiệm đi du lịch, nhất là du lịch bụi... Vì nó không có thực”, nickname Bandoc nói.
Bên cạnh đó, cũng nhiều ý kiến cho rằng, nếu nội dung cuốn sách nhật ký của Huyền Chip không làm hại ai và không vi phạm pháp luật thì không có gì mà phải yêu cầu ngừng xuất bản.
“Tôi thấy Huyền Chip là một nhà văn nữ trẻ, can đảm, có nhiều hoài bão lớn mà người bình thường không thể có được. Các bài viết của cô là bút ký, ghi nhận lại những trải nghiệm trên con đường du lịch bụi. Các sách của cô, trước khi được xuất bản cũng đã được kiểm duyệt kỹ lưỡng, chứng tỏ đã không vi phạm pháp luật hiện hành của nhà nước. Sách xuất bản ra, ai muốn đọc thì đọc. Ai không thích thì đừng đọc. Hà cớ gì lại đề nghị thu hồi! Động cơ đề nghị thu hồi bạn Trần Ngọc Trịnh ấy có thực sự trong sáng?”, nickname Single Firefly nói.
Còn nickname tuoitrevietnam2009 cho rằng: “Đã là sách văn học giải trí thì việc áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật chính xác vào các tình tiết là chuyện không tưởng. Ai đã từng đọc cuốn "80 ngày vòng quanh thế giới" của Jules Verne thì sẽ biết rằng với trình độ phát triển của phương tiện thời đó việc đi vòng quanh thế giới là chuyện không tưởng. Tôi nghĩ điều quan trọng là cuốn sách có mang lại cảm xúc (cảm hứng) cho người đọc như thế nào mà thôi đó là cái tài của người viết”.
>> Xem thêm: Tôi muốn biết ‘Tôn Ngộ Không’ của Huyền Chip là ai?/Cộng đồng nghi ngờ 'Xách balô lên và đi' của Huyền Chíp
Toàn Nguyễn tổng hợp
Chia sẻ bài viết về đi du lịch bụi ở nước ngoài tại đây.