"Mỹ có nguy cơ trở thành một kẻ kỳ quặc khi Hàn Quốc và Trung Quốc vẫn thúc đẩy nỗ lực ngoại giao với Triều Tiên, sau khi Tổng thống Trump tuyên bố rút khỏi cuộc họp thượng đỉnh với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un", Eric Gomez, nhà phân tích tại Viện Cato, Mỹ, trao đổi với VnExpress về vị thế của Mỹ, sau quyết định hủy sự kiện dự kiến vào ngày 12/6 tại Singapore.
Trong bức thư gửi lãnh đạo Triều Tiên ngày 24/5, Tổng thống Mỹ cho biết "tiếc là, dựa trên sự nóng giận dữ dội và thái độ thù địch rõ rệt thể hiện trong tuyên bố gần đây nhất của ông, tôi cảm thấy thời điểm hiện tại không thích hợp tiến hành cuộc gặp đã được lên kế hoạch từ lâu".
Gomez so sánh nếu như năm ngoái Mỹ có thể tập hợp được nhiều nước tham gia chiến dịch gây áp lực tối đa với Triều Tiên, gồm cả Trung Quốc, thì hiện cả Bắc Kinh và Seoul đều đang thực hiện thuật ngoại giao với Bình Nhưỡng. Điều đó khiến Mỹ trở thành một bên "kỳ lạ" so với Triều Tiên.
Chuyên gia của Viện Cato đánh giá hiện còn quá sớm để biết Hàn Quốc và Trung Quốc còn ủng hộ vai trò dẫn dắt của Mỹ hay không, để trở lại việc gây áp lực tối đa với Triều Tiên.
"Nếu họ không làm thế, đó là tin tốt với Mỹ. Nếu Hàn Quốc và Trung Quốc thay đổi, Mỹ sẽ gặp khó trong việc tập hợp các nước ủng hộ để gây áp lực với Triều Tiên một lần nữa", Gomez nói.
Khi đàm phán giữa Trump và Kim đổ vỡ, con đường duy nhất cho ngoại giao trên bán đảo Triều Tiên là đối thoại liên Triều. Gomez cho rằng Hàn Quốc và Triều Tiên có thể cải thiện quan hệ vì Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có sự ủng hộ mạnh mẽ trong nước và cuộc gặp của ông với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã trở nên quá "nổi tiếng".
Tiến sĩ Nam Sung-wook, Đại học Hàn Quốc, cho biết ông không ngạc nhiên khi cuộc họp giữa Trump và Kim không diễn ra như dự kiến vì hai bên chỉ trích nhau quá nặng nề. Thêm nữa Mỹ và Triều Tiên cũng có nhận thức quá khác nhau về khái niệm phi hạt nhân hóa. Nam tin rằng lãnh đạo Triều Tiên đã đổi ý sau khi gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hai lần, vì Bắc Kinh hứa hẹn hỗ trợ kinh tế và chính trị.
Mặc dù cảm thấy tiếc vì cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ và lãnh đạo Triều Tiên không diễn ra, Gomez cho rằng đó là "kết quả tốt hơn" so với thất bại có thể xảy ra trong cuộc họp.
"Việc Trump và Kim có trông đợi và nhu cầu vô cùng khác nhau đã trở nên rõ ràng trong tuần qua. Nếu họ vẫn họp mà không giải quyết được những khác biệt đó, cuộc gặp thượng đỉnh có thể thất bại thảm hại, khiến hai bên còn ít cơ hội sử dụng các cơ hội ngoại giao", Gomez lý giải.
Cũng không lạc quan về kết quả cuộc họp ở Singapore, nếu nó diễn ra, Ken Gause, nhà nghiên cứu tại Tổ chức phân tích CNA, Mỹ, cho rằng bất cứ một thỏa thuận nào mà Tổng thống Mỹ và lãnh đạo Triều Tiên có thể đạt được đều có thể yếu kém hơn thỏa thuận với Iran mà Mỹ và 5 nước phương Tây đạt được hồi 2015. Điều đó khiến Trump đứng trước nguy cơ bị các bên trong nước Mỹ chỉ trích.
Nêu bật vai trò của Trung Quốc trong diễn biến ở bán đảo Triều Tiên, Gause dự đoán Bình Nhưỡng có thể được Bắc Kinh giảm bớt trừng phạt vì cuộc họp với Washington không diễn ra. Trung Quốc có thể thở phào vì nhịp độ của cuộc gặp thượng đỉnh chậm lại. Bắc Kinh cũng có thể cấp viện trợ cho Bình Nhưỡng để cố giữ Triều Tiên chỉ trích Mỹ.
Với Hàn Quốc, nước này có thể cảm thấy bị Mỹ "phản bội" và tiếp tục nỗ lực đối thoại liên Triều.
"Tổng thống Hàn Quốc sẽ ngả về phía Triều Tiên đến mức độ nào, rời xa Mỹ đến mức độ nào, hiện vẫn chưa rõ", Gause nói.
Frank Aum, nhà phân tích tại Viện nghiên cứu Hòa bình Mỹ, cho rằng Trung Quốc luôn luôn có ảnh hưởng tới Triều Tiên nhờ có quan hệ gần gũi về lịch sử và kinh tế. Do đó Tổng thống Mỹ chỉ có thể dần dần loại bỏ được tác động của Bắc Kinh với Bình Nhưỡng nếu như ông có quan hệ tốt với Kim Jong-un, đạt được thỏa thuận cả về hạt nhân, an ninh, chính trị và kinh tế.
Hôm qua, không lâu sau khi thông báo hủy họp với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Tổng thống Mỹ tuyên bố Washington và các đồng minh ở châu Á sẵn sàng đáp trả nếu Triều Tiên có hành động quân sự. Ông tự tin cho biết Hàn Quốc và Nhật Bản không chỉ sẵn sàng "trong trường hợp Triều Tiên có hành động ngu ngốc và liều lĩnh", mà còn sẵn lòng chia sẻ mọi gánh nặng tài chính, mọi chi phí liên quan đến việc điều quân của Mỹ. Tiếp đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Mỹ sẽ duy trì các lệnh trừng phạt để buộc Triều Tiên phải ngồi vào bàn đàm phán từ bỏ hạt nhân.
Tuy nhiên chuyên gia Gause đánh giá chiến lược gây áp lực tối đa của Tổng thống Mỹ Trump chưa chắc đã hiệu quả.
"Trong trường hợp Mỹ cố gây áp lực, Triều Tiên có thể đáp trả bằng cách quay trở lại thử hạt nhân và tên lửa, dù Trung Quốc và Hàn Quốc cố gắng kiềm chế Bình Nhưỡng chọc tức Washington", Gause nói.
Chuyên gia Gomez ở Viện Cato không nghi ngờ gì về việc Triều Tiên sẽ trở lại thử tên lửa đạn đạo trong tương lai gần, sau khi cuộc họp thượng đỉnh giữa Trump và Kim đổ vỡ. Ông đánh giá Triều Tiên ngưng thử tên lửa chỉ vì các bên liên quan trên bán đảo thúc đẩy nỗ lực ngoại giao và bây giờ điều đó không còn được bảo đảm.
Các chuyên gia có những ý kiến trái chiều khi dự đoán cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ và lãnh đạo Triều Tiên có được nối lại hay không. Joshua Pollack, chuyên gia tại Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Middlebury, Mỹ, không tin Trump và Kim sẽ họp thượng đỉnh, bất chấp Tổng thống Hàn Quốc nỗ lực thế nào đi chăng nữa. Tiến sĩ Nam ở Hàn Quốc cho rằng cuộc họp thượng đỉnh khó diễn ra nếu hai bên không có sự thay đổi mạnh về khái niệm phi hạt nhân hóa.
"Nếu Kim Jong-un hài lòng với việc lệnh trừng phạt được giảm bớt, Trump không thể ép Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán, ít có khả năng họp thượng đỉnh sẽ diễn ra. Cũng có thể sau một thời gian bình tĩnh trở lại, Trump và Kim lại muốn thử một lần nữa. Chúng ta hãy chờ xem", Gause nói.
Việt Anh