Ngày 23/6, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính về triển khai các công trình, dự án giao thông quan trọng quốc gia và trọng điểm ngành giao thông. Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được giao chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) huy động nguồn lực mở rộng cao tốc TP HCM - Long Thành.
Trước đó, hồi tháng 10/2022, VEC đề xuất tự bố trí 14.700 tỷ đồng mở rộng cao tốc TP HCM - Long Thành lên 8-10 làn xe. VEC kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải giao đầu tư mở rộng đoạn từ nút giao vành đai 2 TP HCM đến nút giao với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài 21,9 km. Trong đó, từ nút giao vành đai 2 đến vành đai 3 mở rộng lên 8 làn xe; từ vành đai 3 đến nút giao với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu lên 10 làn xe.
Tổng mức đầu tư sơ bộ là 14.780 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng), trong đó chi phí xây dựng gần 10.800 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng gần 800 tỷ đồng, quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác hơn 1.000 tỷ đồng, dự phòng hơn 2.100 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ quý 4/2022 đến quý 1/2026.
7 năm trước, cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55 km được đưa vào sử dụng, vốn đầu tư hơn 20.600 tỷ đồng. Tuyến đường giúp kết nối giao thông, kinh tế giữa TP HCM với vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Lưu lượng phương tiện lưu thông liên tục tăng cao, trung bình khoảng 10% mỗi năm. Hiện tuyến cao tốc quy mô 4 làn xe đã quá tải.
Thủ tướng đồng ý bổ sung dự án cao tốc TP HCM - Mộc Bài vào danh mục công trình quan trọng quốc gia, đồng thời đốc thúc các địa phương đẩy nhanh tiến độ dự án cao tốc khác.
Cụ thể, tỉnh Thái Bình đẩy nhanh thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư cao tốc Nam Định - Thái Bình. Tỉnh Bình Phước hoàn thành nghiên cứu tiền khả thi cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành. Tỉnh Lạng Sơn đẩy nhanh thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Hữu Nghị - Chi Lăng, hoàn thành trong tháng 6. Tỉnh Cao Bằng sớm hoàn thành thẩm định, phê duyệt nghiên cứu khả thi dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh.
Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên Môi trường và các tỉnh thành hỗ trợ các nhà thầu hoàn thiện thủ tục với địa phương để khai thác mỏ vật liệu xây dựng và thi công cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021- 2025; hướng dẫn đền bù, hỗ trợ các khu đất, công trình bị ảnh hưởng nằm ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng.
Liên quan dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô vừa khởi công cuối tuần qua, Thủ tướng phê bình hai tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên chậm lập thiết kế kỹ thuật, dự toán dự án thành phần. Vì vậy, hai tỉnh cần khẩn trương hoàn thành lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật hai dự án thành phần gồm: Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận của mỗi tỉnh.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án thành phần giải phóng mặt bằng thuộc dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô.