Thu Thủy (Sóc Sơn, Hà Nội) quyết định hủy chuyến đi Đà Nẵng, Hội An ngày 9-12/5, dù đã đặt cọc 17 triệu đồng cho 13 combo. Không thể lấy lại tiền thuê khách sạn, chị được bảo lưu yêu cầu đặt phòng và có thể rời ngày check-in trong 6 tháng. Còn tiền vé máy bay coi như mất trắng vì chị không thể hoàn lại, nếu rời ngày thì phải chịu phí và khoản chênh lệch "nhiều không kém mua vé mới".
Chị Thủy cho biết: "Dù tiếc và buồn, gia đình cũng quyết định hủy chuyến đi. Vì nếu cứ cố du lịch vào thời điểm này, cả nhà cũng không vui, do lo sợ dịch và nhiều điểm tham quan cũng tạm dừng hoạt động".
"Nơi mình ở cũng gần với các điểm đang có dịch, biết đâu khi mình di chuyển lại gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch hoặc mang mầm bệnh vào cho người dân Đà Nẵng, vì vậy mình quyết định ở nhà. Hy vọng dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát tốt, để gia đình mình được tới đây sớm nhất", chị nói. Hiện chị Thủy vẫn chưa yêu cầu hủy vé trên hệ thống để chờ động thái hỗ trợ mới từ hãng hàng không.
Tương tự, Lê Trang (TP HCM) cũng phải chịu "mất tiền mà phải ở nhà". Trang đặt vé máy bay, phòng khách sạn đến Đà Nẵng ngày 7-10/5 qua các website cung cấp dịch vụ du lịch trực tuyến. Vì lo ngại dịch bệnh, cô quyết định dời chuyến đi.
Do trên website không hỗ trợ hoàn hủy nên Trang trực tiếp liên hệ với hãng hàng không và các khách sạn ở Đà Nẵng, Hội An. Khách sạn hướng dẫn cô gửi mail yêu cầu để có thể bảo lưu phòng trong 3 tháng. Còn vé máy bay không thể hoàn mà chỉ có thể dời ngày, chịu phí 400.000 đồng cùng mức chênh lệch.
Trang rất buồn khi phải hủy chuyến đi mà mình mong chờ lâu ngày và chuẩn bị kỹ lưỡng. Khi đăng bài chia sẻ trên nhóm du lịch Đà Nẵng, Hội An, cô biết có nhiều người cũng dời ngày du lịch như cô, để đảm an toàn cho bản thân và cộng đồng. Các khách sạn tại Đà Nẵng, Hội An có thể hỗ trợ du khách bảo lưu phòng nghỉ trong 3-6 tháng.
Ông Cao Trí Dũng, chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết, theo báo cáo từ các công ty, doanh nghiệp lữ hành, có khoảng 20-30% khách hủy tour đến thành phố, khi dịch bùng phát trở lại. Về phía khách lẻ, tuy chưa có thống kê cụ thể nhưng ước tính số lượng khách hủy ở mức 30% hoặc hơn.
Ông Dũng cho biết thêm, khách lẻ sẽ dễ gặp rủi ro khi tự đặt dịch vụ, khó được hoàn tiền hay hỗ trợ dời ngày như khách đặt qua các công ty lữ hành. Các doanh nghiệp và hãng hàng không vẫn làm việc theo các chính sách hiện hành nên du khách cần tìm hiểu kỹ trước khi đặt dịch vụ.
Hiện nay các công ty lữ hành cũng chủ động không nhận khách tới Đà Nẵng, để chờ thời điểm an toàn, thích hợp hơn. Ngoài ra các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ như nhà hàng, khách sạn cũng không khuyến khích khách đi du lịch vào thời điểm này. Bởi, nhiều dịch vụ, điểm đến tạm dừng hoạt động có thể ảnh hưởng đến chất lượng chuyến đi, ông Dũng nhận định.
Để đảm bảo an toàn cho du khách, các công ty như Vietravel, Lữ hành Fiditour - Vietluxtour... chủ động chuyển thời gian khởi hành các tour đến Đà Nẵng và một số điểm du lịch có ghi nhận ca nhiễm Covid-19. Thời gian dời dự kiến đến hết tháng 5/2021 hoặc khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt. Do chuẩn bị tâm lý từ trước, phần lớn du khách đều đồng ý tạm dừng chuyến đi.
Trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, Đà Nẵng đón 74.600 lượt khách (giảm 42,4% so với dự kiến). Do xuất hiện ca nhiễm trong cộng đồng tại một số tỉnh thành, nhiều du khách e ngại và hủy dịch vụ ngay trước ngày khởi hành.
Từ ngày 4/5, TP Đà Nẵng tạm dừng các hoạt động không thiết yếu. Trong đó bao gồm hoạt động khu phố đi bộ, chợ đêm và hoạt động tắm biển. TP Hội An tạm dừng bán vé tất cả các điểm tham quan cho đến khi có thông báo mới.
Lan Hương