Hoạt động hút dầu được cơ quan chức năng triển khai lúc 8h khi thời tiết biển thuận lợi, gió êm. Hai tàu chuyên dụng và một ca nô tiếp cận hiện trường. Tàu gỗ thả phao quây dài 200 m, cao hơn một mét, để ca nô biên phòng kéo theo hình chữ U đón dòng nước chảy, phòng xảy ra sự cố dầu tràn khi được bơm từ tàu chìm qua tàu bồn.
Đội ứng cứu gồm 5 người mang ống hút lặn xuống đặt vào các van dầu, đồng thời đặt ống thông hơi của két dầu bên trên tàu chìm. Van dầu được thợ lặn mở ra, hệ thống hút được khởi động để thu toàn bộ số dầu trong khoang máy tàu bị chìm. Sau 15 phút, tất cả số dầu DO lẫn với nước tổng thể tích gần 4 m3 được hút thành công, không để xảy ra sự cố.
Đến 12h, công tác hút dầu hoàn tất, các phương tiện và thợ lặn rút khỏi hiện trường. Đại diện công ty hút dầu Trường Tâm lập biên bản cam kết "trong tàu đã hết dầu" với các giám sát viên của Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận, đồn biên phòng và chính quyền phường Mũi Né.
"Số dầu này sẽ được xe bồn đưa về nhà máy xử lý, lọc lại sử dụng", ông Nguyễn Văn Hùng, chỉ huy hiện trường cho biết.
Chiều 21/3, ông Lê Văn Chơn, Phó chủ tịch UBND TP Phan Thiết cho biết, từ ngày mai chủ tàu Bạch Đằng và đơn vị được thuê xử lý sự cố sẽ tiến hành các bước tiếp theo: lấy tro bụi than trong các thùng đang còn chìm, di dời tàu ra ngoài để trục vớt...
Theo phương án trình cơ quan chức năng, hoạt động trục vớt tàu chìm sẽ được tiến hành trong vòng 20 ngày. Đội thợ lặn 6-8 người cùng nhiều phương tiện chuyên dụng (cần cẩu nổi, tàu kéo, máy lặn, máy hàn, thiết bị thổi bùn...) được huy động tham gia trục vớt.
Tàu Bạch Đằng đã bị chìm cách bờ bãi sau Mũi Né 0,5 hải lý khi đang hành trình chở chở tro bay nhà máy nhiệt điện từ cảng Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, Bình Thuận) về cảng Nhơn Trạch (Đồng Nai) hôm 14/3.
Tàu có trọng tải 2.560 tấn, dài 73,5 m; rộng 13,23 m; mạn tàu cao 4,5 m; mớn nước 3,7 m.
Khi bị chìm, trên tàu có 1.500 tấn tro bay và khoảng 2.000 lít dầu DO. Vị trí tàu đang nằm hiện cách bờ 300 m, nơi có các khu du lịch đang hoạt động.
Việt Quốc