Công ty cổ phần trục vớt cứu hộ Việt Nam ngày 18/3 cho biết đang hoàn thiện phương án trục vớt chiếc tàu chở tro than của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 bị chìm trên biển Phan Thiết cách đây năm ngày.
Theo dự kiến, việc trục vớt được tiến hành theo các bước tuần tự: hút tro bụi than và dầu, di dời tàu ra vùng nước sâu, làm nổi tàu, bơm nước trong các hầm ra ngoài, kéo tàu vào trong cảng neo đậu.
Đội lặn 6-8 người thực hiện trục vớt được giám sát chặt chẽ để đảm bảo an toàn. Cùng hỗ trợ có thợ vận hành máy lặn, kiểm tra và theo dõi máy hoạt động. Tất cả dưới sự chỉ huy của hai người phụ trách (một ở hiện trường, một trên bờ).
Các phương tiện được huy động gồm: hai cần cẩu nổi 130 và 350 tấn, hai tàu kéo, tàu hút bùn 800 tấn. Cùng với đó là các bộ thiết bị lặn đồng bộ, máy lặn cạn, máy nén khí, thiết bị thổi bùn, máy hàn cắt, phao vây, giấy thấm dầu loang...
Theo đơn vị xây dựng phương án, hôm 16/3, các thợ lặn đã khảo sát tàu Bạch Đằng đang nằm cách bờ bãi sau Mũi Né chừng 300 m, úp nghiêng 15 độ so với mặt nước, một phần đáy còn nổi trên mặt nước.
Độ sâu đáy biển tại vị trí tàu nằm là 7 m. Các hầm hàng còn nguyên vẹn. Có hai đỉnh bồn bị móp méo. Phần sau lái, cabin lái lún hoàn toàn xuống cát. Các hầm dầu chứa 2.000 lít DO đã được khóa kín van.
Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận khẩn trương xem xét, phê duyệt phương án trục vớt tàu, phối hợp giám sát phương án bơm hút dầu ra khỏi tàu, ứng phó sự cố tràn dầu.
Chiều 18/3, ông Nguyễn Anh Hữu, Giám đốc Cảng vụ Bình Thuận cho hay chủ tàu vẫn chưa trình phương án trục vớt để đơn vị xem xét. "Sau khi được phê duyệt, phương án trục vớt mới được tiến hành", ông Hữu nói.
Tàu Bạch Đằng trọng tải 2.560 tấn, dài 73,5 m; rộng 13,23 m; mạn cao 4,5 m; mớn nước 3,7 m. Chủ sở hữu là Công ty cổ phần đầu tư DMK.
Ngày 14/2, trên hành trình từ cảng quốc tế Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, Bình Thuận) về cảng Nhơn Trạch (Đồng Nai), tàu đã bị chìm cách bãi sau Mũi Né 0,5 hải lý. 7 thủy thủ được cứu.
Việt Quốc