Nhiếp ảnh gia chụp sinh vật hoang dã Don Heyneke và nhà tư vấn du lịch Rustom Framjee ghi lại cuộc đụng độ giữa mẹ con hươu cao cổ và sư tử trong lúc tham quan khu bảo tồn Maasai Mara, Kenya, Latest Sightings hôm 25/11 đưa tin.
"Thông thường, 30 phút sau khi chào đời, hươu cao cổ con có thể đi lại mà chỉ vấp ngã một chút và trong vòng 10 tiếng, chúng có thể chạy. Không may cho con non này là một con sư tử cái đói bụng và linh cẩu đã tỏ ra hứng thú với nó ngay khi mới sinh", Don cho biết.
Sư tử và linh cẩu cùng đi theo mẹ con hươu cao cổ, nhưng linh cẩu nhanh chóng mất hứng thú, chỉ còn sư tử gần như bám theo cả đàn trong hơn 6 km, Don kể lại. Hươu cao cổ sơ sinh bị mẹ đẩy ngã vài lần trong lúc cố gắng thoát khỏi kẻ săn mồi. Sau khi đi 6 km, hai mẹ con gặp "ngõ cụt" do lòng sông chắn ngang. Con non lúc này thậm chí chưa được uống ngụm sữa nào.
Trong tình thế nguy hiểm, hươu cao cổ mẹ vẫn cố gắng bảo vệ con. Nó hoảng loạn và vô tình đẩy con ngã xuống dốc, khiến con vật nhỏ mắc kẹt dưới lòng sông. Hươu cao cổ mẹ nỗ lực giúp con thoát thân nhưng con non quá yếu và không thể trèo lên bờ.
Con vật nhỏ nằm gục xuống và gần như không còn cơ hội chống lại kẻ săn mồi đáng gờm. Sư tử nhân cơ hội này ngoạm nó tha đi. Tuy nhiên, hươu cao cổ mẹ vẫn không bỏ cuộc và liên tục đánh đuổi sư tử. Khi Don và những người khác cho rằng con non đã chết, nó bất ngờ đứng dậy.
"Trước sự ngạc nhiên của mọi người, nó đứng dậy nhưng không được bao lâu. Cuối cùng, nó ngủ vì kiệt sức dưới lòng sông. Hươu cao cổ con, sau khi trải qua cuộc chiến sinh tồn chưa từng thấy, đã chết đuối", Don chia sẻ.
Với chiếc cổ dài nổi tiếng, hươu cao cổ (Giraffa) là động vật sống trên cạn cao nhất thế giới, con trưởng thành có thể cao tới 5,5 m. Chiều cao nổi bật giúp chúng đề phòng những kẻ săn mồi như sư tử hay linh cẩu, đồng thời giúp chúng ăn lá và chồi trên ngọn cây. Chúng thường lang thang trên các đồng cỏ châu Phi theo nhóm nhỏ.
Thu Thảo (Theo Latest Sightings)