Con hươu cao cổ non tên Noelle và mẹ nó được dẫn lên sà lan bằng thép để vượt qua hành trình dài 114 km xuyên qua hồ Baringo tới khu bảo tồn Roku. Đàn hươu cao cổ băng qua vùng đất từng là một bán đảo để kiếm ăn, nhưng nhiều ngày mưa lớn liên tục đã nhấn chìm con đường thông với đất liền và giam cầm chúng trên đảo Longicharo. Mưa lớn khiến mực nước hồ Baringo dâng cao tới 15 cm mỗi ngày.
Ngarikoni sinh Noelle trong lúc ở trên đảo. Chúng là những cá thể cuối cùng được giải cứu do độ phức tạp khi di chuyển hươu cao cổ non. Các nhân viên cứu hộ đều thở phào khi Noelle vững vàng bước xuống từ sà lan tự chế và đặt chân lên vùng đất khô ráo, theo sau là mẹ nó, đánh dấu thành công của dự án giải cứu.
Dự án căng thẳng kéo dài 15 tháng là kết quả hợp tác giữa khu bảo tồn Roku, quỹ Northern Rangelands Trust, và Cơ quan bảo vệ động vật hoang dã Kenya. David O'Connor, chủ tịch của tổ chức Save Giraffes Now, từng làm việc trong hơn 20 dự án bảo tồn hươu cao cổ ở 9 quốc gia châu Phi, chia sẻ cuộc giải cứu là bước quan trọng nhằm duy trì sự sống còn cho loài vật này.
Đợt giải cứu đầu tiên diễn ra vào tháng 12/2020, giúp giải thoát một con hươu cao cổ Nubia cực kỳ nguy cấp tên Asiwa. Hai con hươu cái chưa trưởng thành khác là Susan và Pasaka, được cứu sau đó vài tuần. Bốn con hươu cái trưởng thành còn lại là Ngarikoni, Nalangu, Awala và Nasieku, cùng con đực trưởng thành tên Lbarnnoti rời đảo trong năm nay.
Các cán bộ bảo vệ rừng Ruko mang thức ăn cho những con vật mắc cạn, nhưng mực nước dâng cao buộc họ phải tìm phương án lâu dài. Làm việc với nhiều đội ngũ khác, họ thử lùa hươu cao cổ lên sà lan bằng cách rải đồ ăn như kẹo viên, lá cây keo, hạt cây và xoài trên boong với hy vọng những con hươu sẽ tự nguyện bước vào bên trong giúp hành trình sơ tán trở nên dễ dàng hơn. Chiếc sà lan thép tự chế mang tên GiRaft nổi nhờ 6 chiếc trống và được gia cố ở các mặt để ngăn hươu cao cổ chạy trốn. Một chiếc thuyền máy nhỏ kéo sà lan xuôi theo dòng sông tới khu bảo tồn.
Hươu cao cổ Nubia hay còn gọi là Rothschild là phân loài cực kỳ nguy cấp của hươu cao cổ phương Bắc từng sinh sống khắp phía tây Thung lũng Tách giãn tại Kenya và Uganda. Ngày nay, có chưa tới 3.000 cá thể còn sót lại ở châu Phi, trong đó chỉ có khoảng 800 con ở Kenya.
An Khang (Theo Mail)