Chia sẻ trong một bài đăng trên Twitter hôm 17/7, vườn quốc gia Nairobi nhấn mạnh các trường hợp hươu cao cổ sinh đôi cực kỳ hiếm gặp trên thế giới với tỷ lệ chỉ khoảng 1/280.000. Hình ảnh đính kèm cho thấy cặp song sinh khỏe mạnh đang quan sát thế giới xung quanh bên cạnh mẹ của chúng.
Kenya là quê hương của ba phân loài hươu cao cổ: Maasai, Somali và Rothschild. Hai cá thể sinh đôi ở Nairobi thuộc phân loài Maasai. Chúng hiện bị phân loại nguy cấp trong Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế.
Theo AFP, chỉ có khoảng 117.000 con hươu cao cổ còn sót lại trong tự nhiên. Số lượng của loài động vật cao nhất trên cạn này đã giảm mạnh 30% trong 30 năm qua. Tổ chức Bảo tồn Hươu cao cổ mô tả đây là một "cuộc tuyệt chủng thầm lặng".
Hươu cao cổ là một trong những loài thú có thời kỳ mang thai dài nhất (15 tháng). Con non khi mới chào đời đã cao hơn một người trưởng thành và có thể chạy xung quanh trong vòng chưa đầy một giờ.
Hươu cao cổ có thể sống 25 năm trong môi trường tự nhiên, nhưng trong điều kiện nuôi nhốt, tuổi thọ của chúng có thể lên tới 35 năm.
Nằm cách trung tâm thủ đô của Kenya chỉ 7 km về phía nam, vườn quốc gia Nairobi là một điểm nóng du lịch hoang dã với rất nhiều loài thú lớn như tê giác, hà mã, hươu cao cổ, ngựa vằn, trâu, sư tử và báo gấm.
Đoàn Dương (Theo AFP)