Bạn tôi phàn nàn, cả hai đứa đều ngại gặp gỡ, ngại chỗ đông người. Có lẽ "cháu nó hướng nội", bạn nói.
Hiện tượng này không mới, lời phàn nàn cũng cũ. Ở tuổi này, các dịp họp lớp của chúng tôi là cơ hội để cha mẹ kể lể về các con. Một triệu chứng phổ biến của lớp trẻ sinh khoảng sau năm 2000 là "lên mạng chat ngày chat đêm", nhưng không biết chào hỏi người lớn, nếu buộc phải tiếp chuyện, cũng chỉ hỏi đáp được vài ba câu rồi lúng túng như gà mắc tóc.
Vài thập kỷ trước, một người ngại giao tiếp sẽ được mô tả bằng các từ giản dị như ít nói, trầm tính, rụt rè hoặc nhát cáy. Nhưng ngày nay, "hướng nội" được viện dẫn ra như một khái niệm sang trọng hơn, đáng được thông cảm hơn, để giải thích cho những trường hợp ít giao tiếp, ngại tham gia các hoạt động xã hội, cộng đồng.
Giải thích như thế theo tôi không những phản khoa học, mà còn gây nguy hiểm, bởi nó khiến người ta dễ dàng thỏa hiệp với những thói quen bất lợi cho bản thân và những người xung quanh.
Các nhà tâm lý học và xã hội học đã chứng minh, tính cách hướng nội và kỹ năng giao tiếp là hai vấn đề khác nhau và không thể đánh đồng.
Tính cách hướng nội tức là có khuynh hướng quan tâm đến cuộc sống tinh thần của bản thân, do đó dễ dàng tìm niềm vui và sự thoải mái trong các hoạt động một mình như vẽ, chơi nhạc, viết lách, đọc sách... hơn là các hoạt động cùng nhóm đông người. Người hướng nội mạnh về quan sát, tư duy, trí tưởng tượng. Rất nhiều nhà phát minh, nhà văn, họa sĩ, kiến trúc sư có tính cách hướng nội. Nhưng điều đó hoàn toàn không ngăn cản họ giao tiếp với đám đông, giao lưu, kết bạn và trở thành một thành viên tích cực trong cộng đồng.
Nếu như hướng nội là tính cách, thì giao tiếp chính là một kỹ năng. Tính cách thì khó thay đổi hoặc chậm thay đổi, nhưng kỹ năng thì hoàn toàn có thể học được, trau dồi, phát triển và tận dụng để làm giàu cho cuộc sống.
Kỹ năng giao tiếp cũng giống như khả năng nấu ăn hay lái xe, tất cả đều cần thiết và không quá khó, ngoại trừ những người mắc các vấn đề bệnh lý hoặc hội chứng rối loạn ngôn ngữ. Một người không thích bếp núc vẫn có thể nấu những bữa cơm gia đình ngon miệng, cũng giống như người có tính cách hướng nội vẫn có thể giỏi giao tiếp, thậm chí giỏi tổ chức và lãnh đạo đám đông. Nhưng nếu cha mẹ, thầy cô mặc định rằng, "cháu nó hướng nội" tức là không thể giao tiếp tốt, thì đứa trẻ đến khi trưởng thành sẽ vẫn mãi trốn tránh trong cái vỏ hướng nội tự tạo ra ấy để từ chối các mối quan hệ xã hội, cũng như người không thích nấu ăn sẽ luôn luôn từ chối vào bếp với cái cớ là "tôi vụng lắm".
Tính cách hướng nội và hướng ngoại đều có mặt tích cực và tiêu cực. Khoa học đã làm rõ, trong mỗi người chúng ta đều có cả mặt hướng nội và hướng ngoại. Chúng giống như tay phải và tay trái, chỉ là một số người quen dùng tay này nhiều hơn tay kia mà thôi. Ngay cả những thiếu niên "rụt rè" nhất, khi gặp đúng "cạ cứng" của mình, cũng sẽ trở nên nói nhiều, hoạt bát và vui chuyện.
Vậy nên mọi trẻ em cần được chỉ bảo về giao tiếp từ khi còn nhỏ, bởi đây chính là kỹ năng số một cần có khi trưởng thành. Giỏi giang đến mấy, chứng chỉ nhiều đến mấy, bảng điểm đẹp đến mấy cũng có thể gặp bất lợi nếu không biết giao tiếp.
Thân thiện, cởi mở, hoạt ngôn với người khác là thái độ, thích một mình là tính cách. Nếu một bạn trẻ thực sự là người hướng nội thì hoàn toàn không cần thay đổi tính cách đó, nhưng thái độ là điều ta có thể điều chỉnh mỗi ngày cho phù hợp với môi trường và yêu cầu cuộc sống. Ít giao tiếp, ít tham gia các hoạt động chung có thể bị hiểu nhầm là có thái độ tự ti, hoặc kiêu ngạo, hoặc chán ghét... đều không có lợi cho bất kỳ ai trong bất kỳ cộng đồng nào.
Giao tiếp tốt góp phần vào việc cải thiện sức khỏe con người. Khỏe mạnh theo quan niệm y tế hiện đại không chỉ là "không sinh bệnh" như quan niệm cũ, mà là trạng thái thoải mái hoàn toàn về nhiều mặt. Một người khỏe mạnh tức là khỏe cả về thể chất, tinh thần, tâm lý, cảm xúc, tâm linh và xã hội. Muốn có sức khỏe xã hội, chắc chắn người đó phải có tăng cường giao tiếp. Nếu cứ mãi thu mình lại, cho dù là trẻ em hay người trưởng thành cũng sẽ khó tương tác với xung quanh, khó học tập, kiếm sống và tận hưởng cuộc sống.
Để thoát khỏi các rào cản ngại giao tiếp, cha mẹ và đứa trẻ đều cần đến sự dũng cảm: dũng cảm gạt bỏ cái tôi, gạt bỏ thể diện, gạt bỏ sự lười biếng để hòa mình vào cộng đồng. Còn nếu cứ lấy "hướng nội" ra làm bình phong cho sự nhút nhát, một đứa trẻ có thể mất đi rất nhiều cơ hội và niềm vui.
Trịnh Hằng