Trong lúc thích thú quan sát niềm vui của hàng nghìn người dân, tôi nhận ra rất nhiều bạn trẻ thích tạo dáng chụp ảnh ở những gờ nổi màu vàng gần cửa lên xuống, có lẽ do màu sắc rực rỡ, lạ mắt của các đường kẻ này.
Trong khi bắt chuyện, tôi phát hiện ra, không nhiều người hiểu hết ý nghĩa của các gờ nổi màu vàng - không chỉ là dấu hiệu cảnh báo khoảng cách an toàn, mà còn giúp người khiếm thị hoặc người lớn tuổi xác định vị trí di chuyển - dù thiết kế này đã được ứng dụng khá rộng rãi trong giao thông công cộng tại nhiều thành phố lớn ở Việt Nam. Vạch tactile vàng ở Metro không chỉ phản ánh các tiêu chuẩn quốc tế mà còn khẳng định cam kết của TP HCM trong việc xây dựng hệ thống giao thông thân thiện với tất cả mọi người, đặc biệt là người khuyết tật.
Gạch tactile (gạch lát nền xúc giác), hay còn gọi là vạch cảnh báo hoặc vạch dẫn hướng, được phát minh vào năm 1965 tại Nhật Bản bởi nhà thiết kế Seiichi Miyake. Mục đích ban đầu của sáng chế này là hỗ trợ người khiếm thị di chuyển an toàn trong các công trình công cộng. Từ đó, gạch tactile được ứng dụng rộng rãi trên toàn cầu, đặc biệt tại các nhà ga, tàu điện ngầm.
Gạch tactile được chia thành hai loại chính. Loại tactile định hướng có các gân dài theo hướng đi, giúp người khiếm thị nhận diện và di chuyển đúng tuyến đường. Các gân này được thiết kế đặc biệt để phản ánh sự chuyển động thẳng, giúp họ dễ dàng xác định hướng và tránh bị lạc. Khi di chuyển trên loại gạch này, người dùng có thể yên tâm rằng họ đang đi đúng lộ trình và có thể dễ dàng tiếp cận các điểm cần đến.
Gạch tactile cảnh báo có các nút tròn nổi, được sử dụng để nhắc nhở người khiếm thị về những khu vực nguy hiểm, như mép sân ga, bậc cầu thang hay gờ cao. Loại gạch này được kết hợp với gạch tactile định hướng tại những ngã rẽ, điểm dừng hoặc giao lộ, giúp người sử dụng dễ dàng nhận diện các điểm cần chú ý, chẳng hạn vị trí cần rẽ trái hoặc phải.
Trong thiết kế các công trình công cộng như nhà ga metro, sân bay, trạm xe khách... gạch tactile có vai trò quan trọng trong việc chỉ dẫn và điều hướng đến các thang máy, cổng kiểm soát, phòng bán vé và cửa ra vào toa tàu, đặc biệt là đối với người khuyết tật và người cao tuổi. Một mẹo nhỏ với những người còn bỡ ngỡ khi đi metro là chúng ta chỉ cần theo hướng các viên gạch tactile này là sẽ định hướng chính xác từ sảnh nhà ga đến khi lên tàu.
Theo tôi, để nâng cao hiệu quả sử dụng vạch tactile trong cộng đồng, cần tập trung vào việc tuyên truyền tới người dân. Các chiến dịch truyền thông qua báo chí, phương tiện giao thông công cộng và tại các khu vực như ga metro, trạm xe buýt sẽ giúp cộng đồng hiểu rõ hơn về lợi ích của vạch tactile.
Ngoài ra, việc sử dụng thang máy trong nhà ga metro nên được ưu tiên cho những người khuyết tật, người cao tuổi nhằm đảm bảo họ có thể di chuyển dễ dàng và thuận tiện. Các đối tượng khác, đặc biệt là thanh niên và người khỏe mạnh, cần được khuyến khích sử dụng thang bộ hoặc thang cuốn để tránh gây cản trở, giữ không gian thông thoáng và tạo điều kiện thuận lợi cho những người thực sự cần sự hỗ trợ.
Việc tuyên truyền về ghế ngồi ưu tiên trên các tuyến metro cũng cần thiết để đảm bảo quyền lợi của người già và người khuyết tật. Bằng cách này, chúng ta không chỉ tạo ra một môi trường giao thông công cộng văn minh và hòa nhã mà còn nâng cao tinh thần sẻ chia, giúp người khuyết tật và người già di chuyển thuận tiện hơn.
Ngoài ra, việc đào tạo nhân viên tại các công trình công cộng là rất quan trọng. Nhân viên tại ga, trạm xe buýt và các khu vực công cộng cần được huấn luyện về cách hỗ trợ người khuyết tật, hướng dẫn sử dụng hệ thống vạch tactile, dành ưu tiên thang máy cho người cần và sử dụng thiết bị hỗ trợ khác.
Việt Nam đang đối mặt với xu hướng già hóa dân số nhanh chóng. Theo dự báo, đến năm 2036, tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên sẽ chiếm khoảng 14% tổng dân số. Để chuẩn bị cho sự thay đổi này, việc tích hợp các tiện ích hỗ trợ người khuyết tật và người cao tuổi, như vạch tactile và thang máy ưu tiên, sẽ đảm bảo sự thuận tiện và an toàn cho tất cả người dân, đồng thời thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc xây dựng một hệ thống giao thông hiện đại, toàn diện và thân thiện với mọi người.
Metro đã rất cũ với thế giới, nhưng hãy còn đủ mới, đủ lạ để bắt đầu quá trình vận hành bằng một bản hướng dẫn sử dụng đầy đủ cho người dùng ở Việt Nam.
Trình Phương Quân