Dưới đây là hướng dẫn sơ cứu tại chỗ các trường hợp bị ngộ độc của Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội):
Ngộ độc do ăn uống
- Gây nôn trong 30 phút đầu nếu bệnh nhân tỉnh táo, chưa nôn, có thể hợp tác tốt.
- Không gây nôn trong trường hợp hôn mê, co giật, uống xăng dầu, axít, kiềm.
- Uống than hoạt tính hoặc Antipois-Bmai.
- Đưa nạn nhân đến viện sớm và mang theo mẫu chất độc như vỉ thuốc đã bóc, lọ hóa chất...
Rắn cắn
- Băng ép và bất động toàn bộ chi nơi bị cắn nếu bị rắn hổ, rắn cạp nia, rắn hổ chúa cắn. Không băng ép trong trường hợp bị rắn lục cắn.
- Hạn chế vận động, đi lại nếu có thể.
- Nhanh chóng đến viện để được dùng thuốc giải độc, không mất thời gian đi tìm thầy lang thuốc lá.
Ong đốt
- Đặc biệt nguy hiểm nếu có sốc phản vệ (ong mật) hoặc ong đốt vào vùng hầu họng gây phù nề, chèn ép, khó thở; khi ong vò vẽ đốt nhiều hơn 20 nốt hay trên cơ địa bệnh lý có sẵn như viêm gan, suy thận..
- Phải đưa ngay nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất nếu số lượng vết đốt nhiều hoặc có các biểu hiện bất thường như khó thở, phù nề nhiều, mệt mỏi không giải thích được, tiểu ít.
Hít phải hơi, khí độc:
- Người cứu hộ phải được an toàn khi vào cứu bằng các biện pháp bảo hộ như áo, mũ, khẩu trang, bình dưỡng khí nếu cần.
- Mở rộng cửa, quạt thông khí, giếng… trước khi cứu hộ giải phóng bớt khí độc.
- Đưa nạn nhân ra khỏi vùng nhiễm độc, đặt nơi thoáng khí, nới rộng, cởi bỏ quần áo nhiễm độc.
- Nếu ngừng thở, hỗ trợ hô hấp bằng phương tiện có tại chỗ.
Chất độc qua da, qua mắt
Với da:
- Cởi bỏ quần áo nhiễm độc.
- Rửa da với nhiều nước và xà phòng trong đến khi sạch; dùng nước ấm nếu trời lạnh.
- Tránh để hóa chất lan ra vùng da lành hoặc lan sang người cứu hộ.
Với mắt:
- Nghiêng đầu về bên mắt bị nhiễm độc, tưới rửa mắt bằng nước sạch trong ít nhất 15 phút.
- Nạn nhân phối hợp bằng cách chớp mắt trong khi rửa, không dụi mắt.
Những sai lầm khi sơ cứu ai cũng mắc