Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto hôm 5/3 nói trong một cuộc họp báo rằng sẽ "lạ thường" nếu Budapest ủng hộ Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte làm tổng thư ký NATO.
"Chúng tôi chắc chắn không thể ủng hộ bầu một người từng muốn buộc Hungary phải khuất phục vào vị trí tổng thư ký NATO", ông Szijjarto nói. Hungary, cùng với Ba Lan và Cộng hòa Czech, gia nhập NATO năm 1999.
Hồi năm 2021, ông Rutte cho biết Hungary không nên là một phần của Liên minh châu Âu (EU), sau khi quốc gia Trung Âu thông qua luật cấm quảng bá nội dung đồng tính cho trẻ vị thành niên. "Mục tiêu lâu dài là khiến Hungary phải khuất phục trong vấn đề này", ông Rutte khi đó cho hay.
Theo truyền thống, vai trò tổng thư ký NATO thuộc về một người châu Âu, song bất kỳ ứng viên nào cũng cần nhận được ủng hộ từ Mỹ, cường quốc dẫn đầu liên minh. Lãnh đạo NATO thường là cựu thủ tướng hoặc tổng thống, giữ nhiệm kỳ 4 năm và có thể gia hạn.
NATO dự kiến công bố người kế nhiệm ông Jens Stoltenberg, tổng thư ký NATO một thập kỷ qua, trước hội nghị thượng đỉnh ở thủ đô Washington, Mỹ vào tháng 7. Theo quy định của NATO, tổng thư ký sẽ chỉ được công bố cho đến khi các nước thành viên đạt đồng thuận về ứng viên.
Thủ tướng Rutte, 57 tuổi, được xem là ứng viên hàng đầu. Hồi tháng 10/2023, ông nói điều hành NATO là công việc thú vị và ông sẵn sàng đón nhận vị trí này.
Nếu kế nhiệm ông Stoltenberg, Thủ tướng Rutte sẽ trở thành người Hà Lan thứ tư lãnh đạo NATO. Các ứng viên còn lại đang được cân nhắc là Thủ tướng Estonia Kaja Kallas và Ngoại trưởng Latvia Krisjanis Karins. Mỹ, Anh, Đức đều bày tỏ ủng hộ ông Rutte làm tổng thư ký liên minh. Tuy nhiên, 1/3 trong số 31 quốc gia thành viên vẫn chưa quyết định hậu thuẫn Thủ tướng Hà Lan.
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters, Politico)