"Đây là tình huống bất thường vì các quốc gia khác muốn sửa đổi ngân sách hoạt động trong 7 năm, điều mà tôi hôm qua phủ quyết", Thủ tướng Hungary Viktor Orban ngày 15/12 đề cập quyết định chặn quỹ viện trợ 55 tỷ USD của Liên minh châu Âu (EU) cho Ukraine trong 4 năm tới.
EU đóng băng quỹ hỗ trợ trị giá hàng tỷ USD cho Hungary để yêu cầu nước này thực hiện một số cải cách về pháp quyền. Quyết định nói trên khiến mâu thuẫn giữa Hungary và EU leo thang.
Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp cao nhất của EU, ngày 13/12 chấp thuận giải ngân khoảng 11 tỷ USD trong khoản quỹ bị đóng băng. Tuy nhiên, gần 23 tỷ USD vẫn ngoài tầm với của Hungary khi nước này chưa hoàn thành những cải cách nhất định theo yêu cầu của EU.
"Nếu ai đó muốn sửa luật ngân sách vì vài lý do nào đó, đây là cơ hội tuyệt vời để Hungary nói rõ rằng chúng tôi sẽ nhận được những gì xứng đáng, không phải 1/4 hay một nửa mà là toàn bộ", ông Orban nói. "Chúng tôi muốn được đối xử công bằng và giờ là cơ hội tốt để chúng tôi khẳng định điều này".
Thủ tướng Orban cho biết một số lãnh đạo các quốc gia thành viên EU thuyết phục ông không cản trở quyết định mở các cuộc đàm phán về kết nạp Ukraine. "Họ lập luận rằng Hungary không có gì để mất khi làm như vậy", ông Orban nói.
"Quyết định cuối cùng về tư cách thành viên EU của Ukraine phải do quốc hội của 27 nước đưa ra, trong đó có quốc hội Hungary", Thủ tướng Orban giải thích. "Tôi không muốn Hungary phải đưa ra quyết định tồi tệ với lương tâm của mình, do đó tôi rời khỏi phòng họp".
Theo Thủ tướng Orban, chính phủ của ông sẽ có khoảng 75 lý do để ngăn quá trình gia nhập EU của Ukraine. Ông Orban cũng tuyên bố sẽ chặn tiến trình này "trước khi người dân Hungary phải gánh chịu bất cứ hậu quả nào".
Thủ tướng Orban, được xem là lãnh đạo ủng hộ Nga nhất trong 27 nước thành viên EU, nhiều lần chỉ trích các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp với Nga sau khi xung đột ở Ukraine nổ ra. Ông Orban nói EU "tự bắn vào chân" vì áp trừng phạt Nga, cảnh báo các biện pháp này nguy cơ phá hủy kinh tế châu Âu.
Nguyễn Tiến (Theo AFP)