"Ngày mai tôi sẽ gặp Ngoại trưởng Myanmar trên danh nghĩa Campuchia. Nhiều khả năng tôi sẽ đến Naypyidaw gặp thống tướng Min Aung Hlaing để làm việc với ông ấy", Thủ tướng Campuchia Hun Sen hôm nay cho hay. "Chỉ có một cách là làm việc với người lãnh đạo Myanmar".
Thủ tướng Campuchia, nước đảm nhận vai trò chủ tịch ASEAN năm 2022, cũng nói rằng người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar có quyền tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN.
"Nếu họp thì phải mời tất cả. Nếu là cuộc họp của các lãnh đạo thì mời lãnh đạo. Mọi việc phải như thế", ông Hun Sen nói.
Trong năm Brunei làm Chủ tịch luân phiên ASEAN 2021, Myanmar không được tham dự hai sự kiện quan trọng gồm Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39 hồi tháng 10 và Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc kỷ niệm 30 năm quan hệ đối thoại tháng trước.
Hun Sen tuần trước cũng tuyên bố ông sẵn sàng đến Myanmar đối thoại, thúc đẩy tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Myanmar cũng như "sửa chữa ngôi nhà chung ASEAN". Ngoại trưởng Campuchia Prak Sokhonn hồi tháng 10 thông báo nước này luôn sẵn sàng hỗ trợ ASEAN giải quyết khủng hoảng Myanmar và sẽ nỗ lực tìm giải pháp khi đảm nhận vị trí Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2022.
Myanmar rơi vào khủng hoảng sau khi thống tướng Min Aung Hlaing lật đổ chính phủ dân cử vào tháng hai với cáo buộc xảy ra gian lận trong tổng tuyển cử năm 2020. Chính quyền quân sự Myanmar cam kết tổ chức bầu cử trong tương lai và tình trạng khẩn cấp sẽ kết thúc vào tháng 8/2023.
Tuy nhiên, các cuộc biểu tình phản đối đảo chính kéo dài và leo thang trong năm qua, dẫn đến nhiều cuộc đụng độ giữa người bất đồng và lực lượng an ninh. Một nhóm quan sát địa phương nói rằng hơn 1.300 người dân ở Myanmar đã thiệt mạng và hơn 10.000 người bị bắt, trong khi chính quyền quân sự Myanmar cho hay hơn 70 quân nhân và 93 cảnh sát nước này đã thiệt mạng khi ứng phó các cuộc biểu tình.
Huyền Lê (Theo AFP)