Thứ tư, 8/1/2025
Chủ nhật, 19/5/2024, 17:30 (GMT+7)

Huế sẵn sàng đón Phật đản

Thừa Thiên - HuếNhiều tuyến đường, cầu bắc qua sông Hương trang hoàng cờ hoa, các chùa dựng đài tắm Phật, tăng ni biểu diễn văn nghệ mừng đại lễ Phật đản.

Một tuần qua, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế cùng các chùa, tu viện và phật tử trang hoàng đón mừng đại lễ Phật đản Phật lịch 2.568. Năm nay, ngoài nghi thức tắm Phật, rước Phật từ chùa Diệu Đế lên tổ đình Từ Đàm, 32 thuyền hoa sẽ diễu hành trên sông Hương.

Khu vực cầu Trường Tiền bắc qua sông Hương được trang hoàng nhiều lồng đèn, cờ Tổ quốc và cờ Phật giáo. Trong ngày 21/5 (tức 14/4 Âm lịch), đoàn rước Phật với sự tham gia của hàng nghìn phật tử sẽ đi qua cầu hướng lên chùa Từ Đàm.

Hàng trăm đèn lồng màu vàng với hình ảnh hoa sen treo trên mái cầu Trường Tiền.

Lễ Phật đản được tổ chức hàng năm vào ngày 15/4 Âm lịch để kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời. Từ năm 1999, ngày 15/4 đã được Liên Hợp Quốc công nhận là ngày lễ hội văn hóa tâm linh thế giới.

Lễ Phật đản là một trong ba lễ cấu thành Lễ Tam hợp mà Liên Hợp Quốc gọi là Vesak (lễ Phật đản, lễ Phật thành đạo và lễ Phật nhập Niết bàn).

7 đóa sen hồng khổng lồ do tăng ni sinh Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế tạo tác cúng dường đức Phật được hạ thủy xuống sông Hương. Mỗi hoa sen nặng 300 kg, đường kính 7,6 m, cao gần 4 m, đặt trên bệ nổi hình vuông. Vào ban đêm, 7 hoa sen sẽ được thắp sáng.

Thừa Thiên Huế được xem là cái nôi của Phật giáo, nơi thiền sư Thiệt Diệu Liễu Quán (1667-1742) khai sáng dòng thiền Lâm Tế - Liễu Quán ở đàng Trong (dòng thiền thứ hai sau thiền phái Trúc Lâm Yên Tử). Ngày nay, Thừa Thiên Huế có hàng trăm ngôi chùa với hàng chục nghìn tăng ni đang tu tập.

Chùa Diệu Đế nằm bên sông Đông Ba, nơi Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức lễ tắm Phật, được trang hoàng nhiều lồng đèn hoa sen, cờ Phật giáo.

Phật tử ở chùa Thiên Minh trang hoàng khắp khuôn viên bằng lồng đèn hình hoa sen hồng, hình thoi nhiều màu sắc.

Phật tử Trần Văn Nhân, 28 tuổi, cho biết mỗi mùa Phật đản về, những người con theo đạo Phật lại hướng về đức Phật, làm những điều tốt lành cho xã hội.

Tiểu cảnh đức Phật Thích Ca Mâu Ni ra đời tái hiện trong khuôn viên chùa Thiên Minh trên đường Điện Biên Phủ, phường Trường An.

Phật đản là ngày Đức Phật chào đời, tiếng Pali gọi là Vesak (nhằm ngày rằm tháng 4 năm 623 trước Tây lịch). Theo truyền thuyết, Đức Phật là thái tử Siddatha Gotama sinh vào buổi sáng ngày rằm, tháng Vesak tại thành Kapilavatthu (gần biên giới giữa đông bắc Ấn Độ và Nepal). Cha của ngài là Hoàng đế Tịnh Phạn, mẹ là hoàng hậu Ma Gia. Sau khi hạ sinh hoàng tử được 7 ngày, hoàng hậu qua đời.

Trên lễ đài tại chùa Từ Đàm nằm trên đường Sư Liễu Quán, hình ảnh đức Phật Thích Ca Mâu Ni ra đời được tái hiện. Đây là nơi Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế cử hành đại lễ mừng Phật đản vào sáng 15/4 Âm lịch sắp tới.

Tại Ni xá Diệu Trạm trong chùa Từ Hiếu, nơi thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch, các tăng ni làm lễ đài với những bông sen tươi.

Các ni sư Ni xá Diệu Trạm cùng với phật tử diễn các tiết mục văn nghệ.

Trong những ngày lễ trước Phật đản, tăng ni chùa Từ Hiếu thường tụng kinh.

Đài tưởng niệm Thánh Tử Đạo nằm trên đường Lê Lợi được trang hoàng nhiều cờ hoa. Trước ngày Phật đản sinh, phật tử đã dâng hương tưởng niệm các Thánh Tử Đạo.

Nhiều cửa hàng đồ lưu niệm Phật giáo trên đường Sư Liễu Quán, phường Trường An trước chùa Từ Đàm bày bán đèn lồng phục vụ phật tử.

Võ Thạnh