Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế tối 15/5 tổ chức lễ thắp sáng 7 đóa sen hồng trên sông Hương tại di tích Nghênh Lương Đình. Buổi lễ diễn ra đúng lúc mưa lớn song hàng nghìn phật tử vẫn đến theo dõi.
Hòa thượng Thích Khế Chơn, Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế, mong muốn trong tuần lễ Phật đản, phật tử chung tay nuôi dưỡng, phát triển lòng từ bi và trí tuệ để có suy nghĩ, lời nói, hành động hiền thiện. Điều này góp phần xây dựng nếp sống thiện lành ngay trong gia đình, khu dân cư, làng xóm, xây dựng xã hội hài hòa, thân thiện, văn minh.
Sau khi 7 đóa sen được thắp sáng, hàng nghìn đèn hoa đăng được thả xuống dòng sông Hương cầu cho quốc thái dân an. Cả khúc sông Hương trước di tích Nghênh Lương Đình rực sáng. Để đảm bảo môi trường, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế bố trị lực lượng vớt lại hoa đăng sau buổi lễ.
Ba ngày trước, 7 hoa sen hồng khổng lồ do tăng ni sinh Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế tạo tác cúng dường đức Phật được hạ thủy xuống sông Hương. Mỗi hoa sen nặng 300 kg, đường kính 7,6 m, cao gần 4 m, đặt trên bệ nổi hình vuông.
Đón mừng đại lễ Phật đản Phật lịch 2.568, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức lễ tắm Phật tại chùa Diệu Đế; lễ rước Phật với sự tham gia của nghìn phật tử lên tổ đình Từ Đàm. Từ 13 đến 15/5 âm lịch sẽ có diễu hành thuyền hoa trên sông Hương, thay thế cho diễu hành xe hoa trên đường phố. Đại lễ Phật đản cử hành vào ngày 15/4 Âm lịch tại tổ đình Từ Đàm.
Phật đản là ngày Đức Phật chào đời, tiếng Pali gọi là Vesak (nhằm ngày rằm tháng 4 năm 623 trước Tây lịch). Theo truyền thuyết, Đức Phật là thái tử Siddatha Gotama sinh vào buổi sáng ngày rằm, tháng Vesak tại thành Kapilavatthu (gần biên giới giữa đông bắc Ấn Độ và Népan). Cha của ngài là Hoàng đế Tịnh Phạn, mẹ là hoàng hậu Ma Gia. Sau khi hạ sinh hoàng tử được 7 ngày, hoàng hậu qua đời.
Võ Thạnh