Chịu trách nhiệm quản lý cây xanh ở thành phố Huế (Thừa Thiên Huế), ông Lê Như Chinh, Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh Huế, cho rằng hơn 10.000 cây gãy đổ do bão Noul đã giúp đơn vị rút ra nhiều bài học trong lựa chọn cây trồng. Nó cũng cho thấy việc đơn vị chuyển hướng hạn chế trồng phượng, lim xẹt dễ gãy đổ trên các tuyến đường mới bằng các loại cây mới như muối, sưa, lát hoa là phù hợp.
Sau bão Noul, ông Chinh nhận thấy loài sưa, long não, muối, nhạc ngựa rất ít bị gãy đổ. Nếu được, sắp tới một số tuyến đường sẽ trồng các loài cây này. Ngoài ra, đơn vị cũng xem xét ý kiến từ các chuyên gia cây xanh để chọn lựa cây trồng phù hợp cho các tuyến đường, công viên.
Nhiều năm nghiên cứu cây xanh, TS Hồ Đắc Thái Hoàng, Viện trưởng Tài nguyên và Môi trường Đại học Huế, cho rằng Huế là cố đô nên rất nhiều loài kỳ hoa dị thảo được đưa về trồng. Tuy nhiên, để có thể chống chịu với gió bão, thành phố cần tìm kiếm các giống cây mới. Mỗi tuyến đường nên trồng một loài cây đặc trưng theo chủ đề, phù hợp văn hóa, lịch sử vùng đất.
Thời tiết ở Huế là nhiệt đới gió mùa, mùa khô từ tháng 3 đến 8, mùa mưa lũ từ tháng 8 đến tháng 1 năm sau và mùa xuân từ tháng 1 đến 2. Với đặc điểm này, ông Hoàng cho rằng loài xăng mã, họ đước có độ dẻo dai, tán lớn, thích hợp trồng ở những tuyến đường lớn.
Loài thứ hai nên trồng là lôi khoai, vốn là cây rừng, cao 5-7 m. Loài này có mùa lá đỏ như cây lá phong, nếu trồng trên một tuyến đường sẽ tạo thành vùng đỏ rất đẹp. Cây lôi khoai đã được trồng thử nghiệm và sinh trưởng tốt ở Huế. Ông Hoàng gợi ý đơn vị quản lý cây xanh có thể phối hợp với các lâm trường tìm kiếm thêm các loại cây rừng phù hợp để ươm giống từ bây giờ.
Ông Nguyễn Hữu Lễ, nguyên Giám đốc Sở Lâm nghiệp Thừa Thiên Huế, thành viên Hội Công viên cây xanh Việt Nam, đánh giá bờ bắc sông Hương có quá nhiều cây phượng vĩ, lim xẹt với đặc điểm giòn, dễ gãy. "Huế cần phát triển hệ thống cây xanh đa dạng hơn, các tuyến đường mới có thể trồng thêm cây muối, long não, sưa, có khả năng chống chịu bão tốt hơn", ông Lễ nói.
Cách trồng cây cũng được các chuyên gia góp ý. Theo ông Lễ, vỉa hè Huế đang bị bó hẹp, nhiều công trình ngầm phía dưới đã hạn chế rễ cây phát triển tự nhiên. Vì thế, trước khi trồng, cần mở rộng vỉa hè tạo không gian cho cây phát triển.
Ông Lễ nhấn mạnh phải trồng khi cây còn nhỏ khoảng 2-3 tuổi để rễ bám sâu vào lòng đất. Lúc trồng cần đào hố sâu, rộng, bón nhiều phân để rễ phát triển, tránh công trình ngầm. Nếu chăm sóc tốt, chỉ vài năm cây sẽ xanh tốt, cho bóng mát.
Sau bão Noul, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế, đã đi kiểm tra công viên hai bờ sông Hương, nơi có lượng lớn cây xanh gãy đổ. Ông Thọ cho rằng cây đổ có những lý do khách quan và chủ quan. Chính quyền đã rút ra bài học quý giá về công tác quản lý, bảo vệ cây xanh thời gian qua, từ đó lựa chọn loại cây phù hợp với khí hậu và cảnh quan của Huế để trồng thay thế.
"Một số loại cây không phù hợp tại một tuyến đường cần sớm được thay thế. Phải lắng nghe ý kiến từ nhà nghiên cứu, những người sống lâu năm ở Huế để chọn được những loại cây chống chịu được với gió bão, mang đặc trưng của xứ Huế", ông Thọ nói.
Bão Noul đổ bộ vào Thừa Thiên Huế sáng 18/9 làm 4 người chết, 92 người bị thương. Hơn 21.280 căn nhà sập và tốc mái, hơn 10.000 cây xanh đường phố ở Huế bị gãy đổ. Hơn 1.130 hecta rừng, 860 hecta cao su bị gãy đổ; 38 hecta nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại... Tổng thiệt hại ước tính 505 tỷ đồng, trong đó riêng cây xanh đường phố, công viên khoảng 50 tỷ đồng.
Võ Thạnh