Cách bờ biển khoảng 10 km, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, được xem là thành phố xanh với hơn 65.000 cây xanh đường phố, công viên. Bão Noul đã làm hơn 10.000 cây gãy đổ, nhiều nhất từ xưa đến nay. Một số công viên dọc bờ sông Hương như Thương Bạc, Phú Xuân, Bến Me, Kim Long..., nhiều cây cổ thụ nằm ngổn ngang trên mặt đất.
Lý giải cây đổ hàng loạt, ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và phòng chống thiên tai tỉnh Thừa Thiên Huế, cho rằng bão Noul đổ bộ với sức gió 75-90 km/h, cấp 8-9, giật cấp 11, là cơn bão mạnh thứ hai sau bão Cecil ngày 15/10/1985. Cecil cấp 10, giật cấp 12, làm 750 người chết.
Khoảng 8h30 sáng 18/9, ven biển Thừa Thiên Huế bắt đầu đón gió, song ít bị ảnh hưởng so với Huế vì có rừng phòng hộ, đồi cát cao che chắn. "Khi đến TP Huế, gió giật lớn nhất, cấp 11 (29 m/s) nên việc cây xanh gãy đổ là chuyện thường, đặc biệt là cây rễ chùm bám cạn, dễ gãy như phượng, lim xẹt", ông Hùng nói.
Cũng cho rằng sau 35 năm Huế mới bị bão đổ bộ, là lý do gây nhiều thiệt hại, ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn Thừa Thiên Huế, dẫn số liệu lúc 9h ngày 18/9, sức gió đo được ở TP Huế cấp 8, giật cấp 11. "Gió bão có độ giật lớn, tạo nhiều vòng xoáy, quật đổ cây xanh. Bình thường gió cấp 6-7 cũng đã làm gãy đổ cây", ông Hùng nói.
Từ góc độ quản lý cây xanh, ông Lê Như Chinh, Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh Thừa Thiên Huế, cho rằng lý do chính làm cây đổ hàng loạt là luồng gió bão Noul vào Huế "quá lớn và khó chịu". "Cứ nhìn hàng cây bằng lăng đường kính hơn 30 cm ở đường Tôn Đức Thắng, công viên dọc sông Hương, bị vặn xoắn gãy đôi là hiểu bão Noul có sức tàn phá như thế nào", ông Chinh nói.
Trước ý kiến cho rằng cây không được cắt tỉa nên mới gãy, ông Chinh khẳng định hàng năm đơn vị đều cho người tỉa cành cây, hạ độ cao để chống bão, trước bão Noul cũng vậy. Quy trình trồng và chăm sóc rất nghiêm, cây xanh được ươm ở vườn ươm hoặc dọc sông Hương, sau đó đưa về trồng trên đường phố.
Tuy nhiên, ông Chinh cũng thừa nhận hệ thống cây lim xẹt, phượng vĩ giòn, dễ gãy, rễ chùm ăn trên bề nổi, không có rễ cọc chịu được bão cấp độ lớn.
Dạo quanh một vòng thành phố Huế sau bão, TS Hồ Đắc Thái Hoàng, Viện trưởng Tài nguyên và Môi trường Đại học Huế, nhận thấy cây xanh đường phố gãy đổ có 3 dạng: cây gãy cành, cây gãy ngang thân và cây bật gốc. Cây cũng rất đa dạng về chủng loại, tuổi đời lớn, có độ bám rất tốt.
Vì thế, ông Hoàng đồng quan điểm cho rằng gió xoáy do bão đã quật đổ cây. Ngoài ra, có một nguyên nhân khác là mạch nước ngầm các đường phố ở Huế cao, vỉa hè quá nhỏ, bộ rễ cây không phát triển được tự nhiên do phía dưới có nhiều công trình ngầm.
Ông Nguyễn Hữu Lễ, nguyên Giám đốc Sở Lâm nghiệp Thừa Thiên Huế, thành viên Hội công viên cây xanh Việt Nam, cũng cho rằng nhiều cây xanh bị bật gốc vì bộ rễ chưa bám sâu, vướng các công trình ngầm.
"Cây muốn phát triển vững chãi thì phải trồng từ nhỏ, không bị vật cản. Hiện nay nhiều địa phương vẫn đang thực hiện chính sách ăn xổi, trồng cây kích thước lớn trên đường phố. Gặp gió lớn, lốc xoáy, cây bị gãy đổ là tất yếu", ông Lễ nói.
Bão Noul đổ bộ vào Thừa Thiên Huế sáng 18/9 đã làm 4 người chết, 92 người bị thương. Hơn 21.280 căn nhà sập và tốc mái, hơn 10.000 cây xanh đường phố ở Huế bị gãy đổ. 20 trường học bị tốc mái; 1.130 hecta rừng, 860 hecta cao su bị gãy đổ; 38 hecta nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại... Tổng thiệt hại ước tính 505 tỷ đồng, trong đó riêng cây xanh đường phố, công viên khoảng 50 tỷ đồng.
Võ Thạnh