FT dẫn nguồn tin thân cận cho biết nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc SMIC đã xây dựng các dây chuyền bán dẫn mới ở Thượng Hải, chuẩn bị cho ra đời hàng loạt chip Kirin do HiSilicon của Huawei thiết kế. Công ty đang lên kế hoạch dùng những thiết bị sẵn có, đã mua Mỹ và Hà Lan trước đó, để đúc chip 5 nm. Chip thành phẩm sẽ được dùng trên smartphone cao cấp của Huawei.
Dù phương Tây đã tiến lên chip 3 nm, việc tự chủ nguồn chip 5 nm của Trung Quốc vẫn được xem là bước ngoặt trong ngành bán dẫn vốn bị Mỹ kìm kẹp gắt gao.
Trước đó, Huawei đã khiến ngành công nghiệp và các nhà phân tích ngạc nhiên khi cho ra mắt điện thoại thông minh Mate 60 Pro vào tháng 8/2023 với bộ xử lý 7 nm. Theo công ty nghiên cứu Canalys, smartphone này đã giúp hãng tăng doanh số bán hàng tại Trung Quốc lên gần 50% trong quý IV/2023.
Sau chip cho smartphone, Huawei và SMIC dự kiến sản xuất chip Ascend 920 để đào tạo AI, giúp Trung Quốc thu hẹp khoảng cách với Mỹ trong cuộc đua trí tuệ nhân tạo. Hiện tại, các công ty Trung Quốc vẫn phải dựa vào chip, hệ thống máy chủ của phương Tây để huấn luyện các mô hình ngôn ngữ lớn LLM.
Cuối tháng 1, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo yêu cầu các công ty kinh doanh dịch vụ đám mây như Amazon, Google phải cáo cáo cho cơ quan chức năng mỗi khi phát hiện thực thể ngoài nước Mỹ dùng đám mây để đào tạo LLM. SCMP đánh giá đây là dấu hiệu cho thấy cuộc chiến công nghệ giữa Washington và Bắc Kinh đã bước vào mặt trận mới.
Trong khi đó, SMIC đã tăng công suất GPU AI. Chip Ascend 910B của Huawei được các chuyên gia trong ngành đánh giá là một lựa chọn thay thế cho bộ xử lý AI của Nvidia.
Tuy nhiên, việc tăng cường sản xuất chip đầu bảng cũng đồng nghĩa chi phí đội lên cao. Các chuyên gia ước tính, chi phí SMIC sản xuất chip 5 nm và 7 nm cao hơn từ 40% đến 50% so với TSMC. Douglas Fuller, chuyên gia bán dẫn Trung Quốc, hoài nghi những hứa hẹn mà Huawei và SMIC đưa ra trong báo cáo tài chính.
Huawei và SMIC chưa bình luận về thông tin trên.
Trước khi bị Mỹ cấm vận, SMIC được cho là đã dự trữ được một lượng máy chế tạo chip. Cuối năm ngoái, chính phủ Hà Lan thu hồi giấy phép xuất khẩu một số máy móc tiên tiến, ngăn ASML bán thiết bị làm chip hiện đại sang Trung Quốc.
"SMIC đang đối mặt với rào cản đáng kể trong việc mở rộng sản xuất sau khi Mỹ và liên minh của họ thắt chặt lệnh cấm. Tuy nhiên, trong vài năm tới, một số lĩnh vực bán dẫn trong nước sẽ tiến tới tự chủ dây chuyền sản xuất, SMIC sẽ là hạt nhân quan trọng của ngành chip Trung Quốc", một chuyên gia bình luận trên FT.
Khương Nha