Theo chuyên gia Anjani Trivedi, một khi Trump nghiêm túc về việc trấn áp các công ty công nghệ Trung Quốc, những cái tên như Huawei, Hikvision... không tránh khỏi tổn thương. Trong số đó, Mỹ có thể dùng Huawei để khiến Trung Quốc phải nhượng bộ.
Bên cạnh động thái ngừng hợp tác với Huawei từ Google, Nhà Trắng còn lôi kéo thêm đồng minh tham gia. Hôm 23/5, hai gã khổng lồ viễn thông Anh là BT Group và Vodafone tuyên bố không bán điện thoại hỗ trợ 5G của Huawei. Nhà phân tích Alex Webb cho rằng đây là "tin tức đáng ngạc nhiên và tàn khốc" với công ty Trung Quốc, bởi nó đánh mạnh vào tham vọng đi đầu công nghệ 5G của Huawei.
Trong khi đó, chuyên gia Mohamed El-Erian đánh giá cuộc tấn công nhằm vào Huawei của Trump đang làm xáo trộn kế hoạch công nghệ và chuỗi cung ứng trên toàn thế giới. "Nó có thể tàn phá nền kinh tế Trung Quốc trừ khi sớm có thỏa thuận thương mại", El-Erian chia sẻ. "Ngay cả khi vấn đề được giải quyết, niềm tin toàn cầu vào các sản phẩm của Trung Quốc cũng sẽ bị lung lay".
Chuyên gia bình luận Eli Lake của Bloomberg đánh giá, Huawei có thể làm tổn hại đến Mỹ, ít nhất dựa trên lập luận của Washington cho rằng nó là "mối đe dọa an ninh quốc gia". "Ông Trump nên giữ lệnh cấm với Huawei ngay cả khi đạt thỏa thuận thương mại với Trung Quốc", Lake cho biết.
Thậm chí, Steve Bannon, cựu chiến lược gia trưởng của Nhà Trắng, nói rằng nên loại Huawei. "Việc bỏ Huawei khỏi Mỹ và châu Âu quan trọng gấp 10 lần so với một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc", Bannon nhấn mạnh.
Theo Hal Brand, Giáo sư đại học John Hopkins, ông Trump nếu muốn "dằn mặt" Trung Quốc bằng Huawei, họ cần mạnh tay hơn và có chiến lược cụ thể. Tuy vậy, Brand cho rằng ông chủ Nhà Trắng cần xem xét những rủi ro sẽ gặp, cũng như hạn chế việc nhân nhượng như trường hợp ZTE năm ngoái. Nếu không, uy tín của cả Trump lẫn nước Mỹ đều bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, phía Huawei coi những gì Mỹ đang làm là vu khống, đồng thời gửi đơn kiến nghị lên tòa án Mỹ yêu cầu bãi bỏ lệnh cấm các cơ quan chính phủ liên bang mua sản phẩm của hãng. "Chính phủ Mỹ không đưa ra được bằng chứng nào cho thấy Huawei là mối đe dọa an ninh. Chẳng có lửa, cũng không có khói, chỉ toàn là suy đoán", Song Liuping, trưởng phòng pháp chế tập đoàn Huawei, cho biết.
Theo AFP, đơn kiến nghị này được đưa ra gần ba tháng sau khi Huawei kiện chính phủ Mỹ trong nỗ lực đảo ngược lệnh cấm liên bang đối với thiết bị mạng của họ. Chính quyền Tổng thống Donald Trump ngày 15/5 cấm các công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông từ những nguồn bị coi là rủi ro với an ninh quốc gia. Bộ Thương mại Mỹ sau đó cũng đưa Huawei và khoảng 68 chi nhánh vào danh sách cấm mua các bộ phận và linh kiện từ Mỹ, khiến tập đoàn hàng đầu Trung Quốc này đứng trước nguy cơ bị cô lập về công nghệ.
Bảo Lâm (theo Bloomberg)