Tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei hôm nay xác nhận đã nộp đơn kiện chính phủ Mỹ lên một tòa án liên bang ở Texas, đề nghị xem xét tính hợp hiến của Điều 889 trong Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) được Tổng thống Donald Trump ký hồi tháng 8/2018, trong đó cấm các cơ quan liên bang và nhà thầu Mỹ mua thiết bị và dịch vụ từ Huawei, theo Reuters.
"Quốc hội Mỹ đã nhiều lần thất bại trong việc đưa ra bằng chứng chính đáng để hạn chế các sản phẩm của Huawei. Chúng tôi buộc phải thực hiện hành động pháp lý như một giải pháp phù hợp cuối cùng", Guo Ping, chủ tịch luân phiên của Huawei, tuyên bố.
Guo còn cáo buộc chính phủ Mỹ "tấn công các máy chủ, đánh cắp email và mã nguồn" của Huawei, nhưng không cung cấp thêm chi tiết về việc này.
"Lệnh cấm này không chỉ bất hợp pháp mà còn ngăn Huawei tham gia cạnh tranh công bằng, cuối cùng lại gây tổn hại cho người tiêu dùng Mỹ. Chúng tôi mong chờ phán quyết của tòa án và tin rằng nó sẽ có lợi cho cả Huawei và người Mỹ", ông Guo cho biết, nói thêm rằng việc dỡ bỏ lệnh cấm sẽ mang lại sự linh hoạt cần thiết cho chính phủ Mỹ để hợp tác với Huawei và giải quyết các vấn đề an ninh thực sự.
Huawei đã thúc đẩy hoạt động quảng bá và tung đòn trên mặt trận pháp lý trong hai tháng qua, sau khi Mỹ vận động các đồng minh cấm tập đoàn Trung Quốc này tham gia mạng di động 5G với lý do lo ngại về bảo mật thông tin. Tuy nhiên, người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi khẳng định họ chưa từng và không bao giờ chia sẻ dữ liệu với chính phủ Trung Quốc.
Vụ kiện diễn ra trong bối cảnh Canada hôm 1/3 bắt đầu quá trình dẫn độ giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu, người bị bắt hồi tháng 12/2018 tại Vancouver theo yêu cầu của Mỹ. Trung Quốc gọi việc dẫn độ bà Mạnh là "cuộc đàn áp chính trị chống lại những doanh nghiệp công nghệ cao" của họ. Washington hồi tháng 1 truy tố Huawei và bà Mạnh 23 tội danh, trong đó có rửa tiền, lừa đảo, đánh cắp tài sản trí tuệ và vi phạm lệnh trừng phạt Iran.
Bà Mạnh cũng vừa khởi kiện chính phủ Canada và hai cơ quan hành pháp của nước này với cáo buộc vi phạm nghiêm trọng quyền theo hiến pháp của bà khi bắt, khám xét và thẩm vấn bà trong ba giờ tại sân bay Vancouver đầu tháng 12 năm ngoái.