Theo Nikkei Asian Review, số lượng sáng chế mà Huawei đã nộp tại Mỹ gấp đôi vị trí thứ hai là Mitsubishi Electric của Nhật Bản, trong khi Intel đứng vị trí thứ ba.
Tuy nhiên, chất lượng của các sáng chế lại là câu chuyện khác. Theo Patent Result, một công ty nghiên cứu về sở hữu trí tuệ có trụ sở tại Tokyo (Nhật Bản) đã đưa ra các tiêu chí thẩm định chất lượng, gồm tính nguyên bản, ứng dụng công nghệ vào thực tế và tính linh hoạt, sau đó so sánh với một trị số tiêu chuẩn.
Cụ thể, bằng sáng chế có độ lệch từ 55 trở lên được coi là đại diện cho "chất lượng cao" hoặc phát minh thực sự sáng tạo. Trong danh mục này, Huawei chỉ chiếm 21%, thấp hơn nhiều so với 32% của Intel và 44% của Qualcomm.
Chuyên gia của Patent Result cho rằng, việc Huawei tăng cường mua sáng chế trong những năm gần đây đã giúp số lượng đăng ký tổng thể tăng mạnh. Số liệu của hãng nghiên cứu Nhật Bản cho thấy, công ty Mỹ đã mua khoảng 500 bằng sáng chế từ công ty nước ngoài, trong đó có 250 từ các tập đoàn Mỹ, chủ yếu liên quan đến công nghệ truyền tín hiệu số và kiểm soát chuyển mạng. Có tới 67% bằng "chất lượng cao" nằm trong số này.
Việc mua lại sáng chế từ Mỹ cũng là xu hướng mà các công ty Trung Quốc đang theo đuổi. Ngoài Huawei mua 40 sáng chế từ IBM và 37 của Yahoo, Alibaba Group cũng đã mua 43 bằng từ các doanh nghiệp Mỹ khác.
Bên cạnh đó, Huawei cũng tìm cách thu hút nhân tài từ công ty Mỹ, thậm chí nhiều kỹ sư và chuyên gia công nghệ của nước này đã trở thành nhân sự nòng cốt của hãng viễn thông Trung Quốc. Theo thống kê, có khoảng 17 trong số 30 kỹ sư giỏi nhất của Huawei được tuyển dụng ở khu vực Bắc Mỹ (chủ yếu từ doanh nghiệp Mỹ như Motorola, IBM...). Họ góp phần tạo nên phần lớn sở hữu trí tuệ khi phát minh 370 sáng chế "chất lượng cao".
Những năm qua, Huawei luôn tìm cách thoát khỏi sự phụ thuộc về công nghệ của Mỹ. Giữa tháng 5 năm nay, động lực đó càng được thúc đẩy khi công ty bị chính phủ Tổng thống Donald Trump đưa vào danh sách thực thể với lý do "đe dọa an ninh quốc gia", khiến mảng sản xuất chip, smartphone... không thể sử dụng công nghệ chủ chốt của Mỹ, chẳng hạn hệ điều hành Android. Tuy nhiên, hãng vẫn cho thấy mình không bị ảnh hưởng nhiều khi cho biết đã xuất xưởng hơn 200 triệu điện thoại tính từ 10 tháng đầu năm 2019, sớm hơn tới 64 ngày so với cột mốc tương tự mà hãng đạt được trong 2018.
Bảo Lâm (theo Phonearena)