Theo BBC, phát biểu tại một cuộc họp báo hôm nay, Song Liuping, Giám đốc pháp lý của Huawei nói việc Mỹ đưa công ty vào danh sách đen thương mại đã "tạo tiền lệ nguy hiểm" và đang gây hại cho hàng tỷ người dùng trên toàn thế giới. Ông Song cũng cho rằng các chính trị gia Mỹ đang sử dụng sức mạnh của cả một quốc gia để gây sức ép lên một công ty tư nhân.
"Quyết định này có nguy cơ gây hại cho khách hàng của chúng tôi tại hơn 170 quốc gia, bao gồm hơn ba tỷ người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm và dịch vụ của Huawei trên toàn thế giới. Bằng cách chặn người Mỹ làm ăn với Huawei, chính phủ Mỹ sẽ trực tiếp gây hại cho hơn 1.200 công ty Mỹ. Điều này đồng nghĩa với việc hàng chục nghìn nhân công tại quốc gia này bị ảnh hưởng", người đứng đầu mảng pháp lý của Huawei tuyên bố.
Trong buổi thảo luận với các phóng viên ở Thâm Quyến (Trung Quốc), đại diện của Huawei cũng nói về các bước thực hiện để chống lại lệnh cấm của Mỹ vào đầu tháng 3. Công ty đã đệ trình một bản tóm tắt, yêu cầu tòa án Mỹ đẩy nhanh quá trình "dừng các hành động phi pháp nhằm chống lại Huawei". Vụ kiện liên quan đến việc hạn chế các cơ quan liên bang Mỹ sử dụng sản phẩm của công ty Trung Quốc.
"Chính phủ Mỹ không cung cấp bằng chứng nào cho thấy Huawei là mối đe dọa an ninh. Không có súng, không có khói. Chỉ có suy đoán", ông Song nhấn mạnh.
Huawei cũng cho rằng việc hãng theo đuổi vụ kiện nhằm lấy lại quyền lợi cho hàng tỷ khách hàng có điều kiện kinh tế không tốt. Theo một Giám đốc điều hành của công ty, những người sống ở quốc gia kém phát triển hoặc ở nông thôn ngay tại Mỹ xứng đáng được sử dụng dịch vụ băng thông rộng 5G mới với giá thành rẻ.
Khi được hỏi liệu Huawei có còn tồn tại trong một năm tới không, một Giám đốc điều hành của công ty cho biết kế hoạch kinh doanh của họ thậm chí còn tiến xa hơn vào năm tới.
Người phát ngôn của Huawei cũng khẳng định công ty tự hào khi thuộc sở hữu tư nhân. Điều này nhằm phản bác lại cáo buộc của Mỹ cho rằng Huawei có sự hậu thuẫn và làm gián điệp cho chính phủ Trung Quốc. Trả lời câu hỏi của phóng viên BBC về việc hai Giám đốc điều hành cấp cao của công ty là người của Đảng cộng sản Trung Quốc, một trong hai người nói không và người còn lại từ chối trả lời.
Hàng loạt quyết định gây bất lợi cho Huawei của Washington là một phần trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc thời gian gần đây. Mỹ đã cố gắng thuyết phục các đồng minh cấm công ty Trung Quốc xây dựng mạng 5G vì những rủi ro tiềm ẩn về gián điệp và an ninh mạng. Australia và New Zealand là những quốc gia đầu tiên chặn việc sử dụng thiết bị từ Huawei.
Ngoài ra, Huawei đang phải đối mặt với gần 20 cáo buộc hình sự của chính quyền Mỹ. Giám đốc tài chính, Mạnh Vãn Chu bị yêu cầu dẫn độ từ Canada - nơi bà bị bắt vào tháng 12 năm ngoái theo lệnh bắt từ Mỹ.