Buổi trưa, các công nhân tại nhà máy Flex ở phía nam thành phố Châu Hải (Trung Quốc) tản ra quán ăn bên đường. Trước đó, họ được yêu cầu nghỉ việc một tuần để công ty đánh giá các tác động khi Mỹ đưa Huawei vào danh sách đen. Flex là hãng gia công điện tử của Mỹ, chịu trách nhiệm lắp ráp chính cho các smartphone Huawei và nhà máy ở Châu Hải có khoảng 40.000 lao động.
"Công ty không nói lý do nhưng chúng tôi đoán được là gì", một công nhân tên Liu làm việc trong dây chuyền sản xuất điện thoại Huawei, chia sẻ. "Sau một thời gian dài lao động, tôi cũng muốn được nghỉ ngơi", ông nói thêm về việc nhận được thông báo nghỉ việc ít ngày thông qua ứng dụng nhắn tin WeChat. "Nhưng tất nhiên là tôi có chút lo lắng về tương lai của mình".
Flex là một trong những "nạn nhân" của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và dù không phải đối tượng trực tiếp như Huawei, công ty này cũng chịu tác động. Hình ảnh hàng dài xe tải xếp hàng bên ngoài nhà máy Flex được chia sẻ trên mạng xã hội Trung Quốc và một số báo cáo nói rằng những xe này được Huawei điều động để lấy nguyên liệu sản xuất.
Trong tuyên bố với CNA, Flex cho biết công ty xác định rằng hầu hết các sản phẩm mà hãng lắp ráp cho Huawei tại Trung Quốc không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm của Mỹ. Khoảng 90% lượng hàng hóa đã được khôi phục trở lại. Tuy nhiên, công nhân có chút hoài nghi về tương lai của họ.
"Chúng tôi chờ đợi động thái từ công ty, nếu có việc chúng tôi sẽ làm, nếu không thì sẽ nghỉ ngơi. Không có quá nhiều điều để suy nghĩ", ông Liu nói. Trong khi đó một công nhân khác là Xu Wenfa lại suy tư hơn. "Tôi có chút lo lắng khi đơn hàng hiện nay ít hơn so với trước đây, kéo theo việc làm của chúng tôi ít đi", lao động 21 tuổi này cho biết.
Tại trụ sở của Huawei ở Thâm Quyến (Trung Quốc), việc kinh doanh của công ty dường như diễn ra bình thường.
Trong một chuyến thăm dành cho truyền thông, báo giới được xem những tiến bộ của Huawei trong lĩnh vực 5G và tham quan khuôn viên mới đặt tại Đông Quan (Trung Quốc) lấy cảm hứng từ châu Âu. Công ty nói rằng sẽ có khoảng 5.000 người chuyển tới cơ sở mới, trong số 20.000 lao động hiện tại.
Các phóng viên cũng được đưa tới trung tâm sản xuất của Huawei, nơi mà hàng nghìn điện thoại di động, máy tính xách tay và các thiết bị điện tử khác được sản xuất mỗi ngày. Khi hỏi người điều hành của Huawei rằng lệnh cấm của Mỹ có ảnh hưởng, câu trả lời là mọi thứ đang diễn ra bình thường.
Huawei tuyên bố sẽ tiếp tục tồn tại ngay cả khi không có nguồn cung ứng từ Mỹ. Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc nói sẽ tự lực và sẵn sàng cho một kịch bản như vậy. Tuy nhiên các nhà phân tích cho rằng sẽ có không ít khó khăn cho Huawei vì công ty cần nhiều thời gian để lấp đầy khoảng trống nếu thiếu nguồn cung từ Mỹ.
Lệnh cấm không chỉ để lại hậu quả lâu dài cho Huawei mà có thể còn ảnh hưởng tới trung tâm công nghệ Thâm Quyến ở phía nam Trung Quốc.
"Áp lực từ Mỹ sẽ tác động tới lợi nhuận và nếu lệnh cấm kéo dài trong hai năm thì sẽ ảnh hưởng tới sự sống còn của Huawei", Song Qinghui, một nhà kinh tế tại Thâm Quyến, đánh giá. "Huawei là công ty đóng thuế lớn nhất ở Thâm Quyến, đem lại việc làm cho hơn 100.000 người. Nếu công ty này sụp đổ, giải quyết việc làm trở thành vấn đề lớn và GDP của Thâm Quyến cũng bị ảnh hưởng đáng kể".
Ngoài Huawei, Thâm Quyến cũng là cái nôi của một số công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc, bao gồm Tencent - nhà điều hành ứng dụng WeChat, nhà sản xuất máy bay không người lái (drone) DJI hay công ty xe điện BYD.
Nhưng không chỉ Huawei, Mỹ đang xem xét mối đe dọa tiềm tàng của các mẫu drone và chuyên gia Song lo ngại nhiều công ty Trung Quốc có thể phải chịu lệnh trừng phạt của Mỹ. Những điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới niềm tin của các nhà đầu tư và cuối cùng làm "sứt mẻ" thương hiệu Thâm Quyến vốn được biết đến là trung tâm đổi mới công nghệ cao.
Bảo Anh (theo CNA)