"Vấn đề đối với các nền tảng di động hiện tại là không thể kết nối các thiết bị một cách dễ dàng, buộc người dùng thường phải tải về các ứng dụng riêng để mọi thứ kết nối", Wang Chenglu, Chủ tịch bộ phận phần mềm của Nhóm Kinh doanh Tiêu dùng Huawei, người đứng đầu nhóm phát triển HarmonyOS, cho biết. "Harmony có thể cho phép các thiết bị kết nối với nhau để tạo thành một siêu thiết bị. Các thiết bị kết nối sẽ hoạt động như một hệ thống tệp theo đúng nghĩa đen".
HarmonyOS là nền tảng hỗ trợ các thiết bị có RAM ít nhất 128 KB, đồng nghĩa với hầu hết sản phẩm trên thị trường đều có thể sử dụng. Huawei nhấn mạnh khả năng kết nối các thiết bị với nhau để tạo thành một "siêu thiết bị". Chẳng hạn, người dùng có thể dùng smartphone để điều khiển máy ảnh, smartwatch, drone hay TV. Bên cạnh đó, nền tảng cũng hỗ trợ kiểm soát các thiết bị gia dụng thông minh như kiểm tra nhiệt độ, hẹn giờ và nhiều tính năng khác.
Bên cạnh khả năng kết nối, HarmonyOS cũng được Huawei giới thiệu là hệ điều hành giúp tăng cường hiệu suất thiết bị, tối ưu hiển thị trên màn hình và tiết kiệm điện. Công ty Trung Quốc cũng nhấn mạnh về bảo mật trên nền tảng mới, trong đó cho phép mã hóa các tập tin và ưu tiên quyền riêng tư cho người dùng.
Theo Chenglu, HarmonyOS có tầm nhìn xa hơn so với một hệ điều hành di động. Ông cho rằng thị trường smartphone đã ổn định, nên cần một nền tảng khác thông minh hơn để kết nối mọi thứ giúp con người có cuộc sống tiện lợi hơn. Đồng thời, các nhà phát triển cũng có nền tảng để tạo ra các phần mềm và ứng dụng mới.
Tại sự kiện ra mắt ngày 2/6 tại trụ sở ở Thâm Quyến, Huawei đã giới thiệu một số thiết bị sử dụng HarmonyOS, gồm một máy tính bảng, smartwatch và bút cảm ứng. Richard Yu, Giám đốc điều hành Nhóm Kinh doanh Tiêu dùng của Huawei, cũng hé lộ mẫu smartphone đầu bảng P50, dự kiến chạy hệ điều hành mới khi ra mắt.
HarmonyOS là nền tảng được phát triển từ 2016. Theo Chenglu, Huawei đặt mục tiêu 200 triệu smartphone và 100 triệu thiết bị thông minh khác của bên thứ ba sẽ chạy HarmonyOS vào cuối năm nay.
Bảo Lâm