Theo Wall Street Journal, hai Giám đốc điều hành cấp cao của Huawei mới đây đã tiết lộ hai thông tin quan trọng. Đầu tiên là việc sáng lập công ty Nhậm Chính Phi đã có một số cuộc họp kín với nhân viên sau thời điểm bà Mạnh Vãn Chu bị bắt tại Canada. Bà Mạnh là con gái của ông Nhậm, đồng thời là Giám đốc tài chính Huawei, đã bị bắt đầu tháng 12/2018 với cáo buộc lừa đảo.
Cuộc họp giữa ông Nhậm và nhân viên diễn ra tại Trung tâm R&D của Huawei tại Hàng Châu (Trung Quốc) một tháng sau khi bà Mạnh bị bắt. Ông Nhậm nhấn mạnh nhân viên nên học hỏi Google và các công ty Mỹ, đồng thời cần phải cứng rắn "tiến về phía trước, quét sạch những thứ trên đường đi với tinh thần máu lửa".
Tháng 2 năm nay, trước những khó khăn bủa vây do lệnh cấm của Mỹ, ông Nhậm tiếp tục có những yêu cầu cứng rắn với nhân viên. Tại một cơ sở sản xuất của Huawei tại Vũ Hán, nhà sáng lập này cho biết công ty đã bước vào "tình trạng chiến tranh".
Tuy nhiên, nguồn tin cũng cho biết nhà sáng lập Huawei vẫn suy nghĩ tích cực về nước Mỹ. "Ông Nhậm nói vẫn có sự tôn trọng nhất định đối với Mỹ, ngay cả khi công ty đang bị cấm vận bởi Washington. Ông cho biết mình ngưỡng mộ văn hóa Mỹ và thường dành lời khen cho Tổng thống Trump", nguồn tin tiết lộ.
Catherine Chen, người đứng đầu các vấn đề công cộng của Huawei, sau đó xác nhận nhà sáng lập công ty khuyến khích nhân viên học theo phương Tây. "Ông Nhậm đã chỉ ra con đường đúng đắn cho chúng tôi, đó là áp dụng tư duy phương Tây để giải quyết các vấn đề gặp phải ở thị trường phương Tây", bà Chen chia sẻ.
Việc đưa công ty vào "tình trạng thời chiến" của ông Nhậm diễn ra sau khi Anh cho phép Huawei xây dựng mạng 5G vào tháng 1/2020. Theo bà Chen, ông Nhậm đã mô tả thỏa thuận này giống như chiến thắng của trận Stalingrad - trận chiến giữa phát xít Đức và Hồng quân Liên Xô, được đánh giá là bước ngoặt quan trọng, làm xoay chuyển cục diện trong chiến tranh thế giới thứ 2.
Dù vậy, mọi thứ đang thay đổi chóng mặt. Theo Financial Times, Thủ tướng đương nhiệm của Anh là Boris Johnson mới đây xem xét lại hợp đồng và yêu cầu loại các công nghệ của Huawei khỏi mạng 5G quốc gia, đồng thời bỏ hoàn toàn những thiết bị còn lại của hãng Trung Quốc trong mạng viễn thông từ năm 2023.
Trước việc Anh không cho phép Huawei tiếp tục xây dựng mạng 5G, cũng như hàng loạt đòn đánh từ chính quyền Trump mà mới nhất là cấm các công ty sử dụng công nghệ Mỹ không được làm ăn với Huawei, nội bộ hãng viễn thông Trung Quốc đang "rối như tơ vò". Theo báo cáo của Bloomberg, trụ sở chính của Huawei tại Thâm Quyến đang trong "tình trạng khẩn cấp".
Cụ thể, nguồn tin tiết lộ rằng ban Giám đốc của Huawei đã tổ chức hàng chục cuộc họp thời gian qua, nhưng hầu như không có giải pháp nào phù hợp để giúp công ty vượt qua giai đoạn khó khăn. Hãng viễn thông Trung Quốc đã mua chip dự trữ từ các công ty dùng công nghệ Mỹ nhưng dự kiến sẽ hết trong vài tháng tới. Trong khi đó, nguồn cung từ Samsung hoặc MediaTek không đáp ứng đủ nhu cầu do khối lượng đơn hàng rất lớn.
Việc Mỹ cấm các doanh nghiệp sản xuất chip sử dụng công nghệ có nguồn gốc từ nước này làm ăn với Huawei được xem là đòn đánh quyết định vào tham vọng làm chủ mảng bán dẫn của hãng viễn thông Trung Quốc, sau khi Google cấm Android. "Một cú đấm hủy diệt", Forbes nhận xét.
Trước đó, công ty đã đầu tư hàng tỷ USD vào HiSilicon để sản xuất các dòng chip riêng phục vụ cho các thiết bị di động, cũng như cơ sở hạ tầng 5G, máy chủ, AI... Tuy nhiên, tương tự Apple hay Qualcomm, HiSilicon chỉ thiết kế, còn việc sản xuất phụ thuộc vào các công ty như TSMC. Dù vậy, TSMC hiện phải dừng nhận các đơn hàng mới từ Huawei bởi hãng Đài Loan vẫn cần đến công nghệ của Mỹ trong các khâu sản xuất.
Bảo Lâm