Một bức ảnh chụp Nhậm Chính Phi xếp hàng chờ taxi bên ngoài sân bay quốc tế Thượng Hải "gây bão" trên mạng xã hội Trung Quốc vào năm 2016. Cộng đồng mạng tỏ ra thích thú, nhiều người cho rằng hình ảnh đó phản ánh phong cách sống giản dị của ông chủ một trong những tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc.
Cuối năm 2018, ông Nhậm phá vỡ sự im lặng trước báo chí, truyền hình sau hai năm sống ẩn dật. Ông cũng được coi là thủ lĩnh tinh thần trong bối cảnh Huawei mắc kẹt giữa chiến tranh công nghệ và thương mại, giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
"Tôi chỉ đóng vai trò một biểu tượng, giống tượng đất trong chùa. Nếu thiếu nó, ngôi chùa sẽ trống rỗng. Nhưng thực tế, tượng đất không làm gì", ông Nhậm giải thích. "Việc tôi có ở Huawei hay không cũng không tác động tới hoạt động của công ty".
"Tôi chỉ là một ông già. Tại sao mọi người phải nhớ đến tôi? Mong muốn lớn nhất của tôi là ngồi trong quán cafe mà không ai để ý", ông chia sẻ.
Mong muốn tưởng chừng đơn giản, nhưng quá khó thực hiện với ông, đặc biệt khi quyết định quay lại giúp Huawei đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong ba thập kỷ.
Theo SCMP, lần cuối cùng Nhậm Chính Phi xuất hiện trước truyền thông là ở châu Âu năm 2015. Tuy nhiên, vụ bắt giữ con gái ông, bà Mạnh Vãn Châu tại Canada ngày 18/12/2018 theo lệnh chính phủ Mỹ, đã thôi thúc ông quay lại. Bà Mạnh hiện vẫn bị quản thúc tại nhà riêng ở Vancouver, trong thời gian chờ kết quả phiên điều trần dẫn độ về Mỹ. Màn tái xuất của nhà sáng lập 75 tuổi giúp cải thiện hình ảnh của Huawei trong mắt giới chính trị và doanh nhân Mỹ.
Tình hình trở nên căng thẳng hơn vào tháng 5/2019, chính phủ Mỹ tiếp tục điền tên Huawei vào danh sách đen thương mại, ngăn công ty thực hiện giao dịch công nghệ có nguồn gốc Mỹ. Lệnh cấm khiến Huawei gặp khó khăn trong việc mua phần cứng, phần mềm và dịch vụ từ các đối tác Mỹ gồm Intel, Google và Microsoft.
Huawei cũng thừa nhận ảnh hưởng nặng nề của lệnh cấm đối với hoạt động kinh doanh. Trong hội thảo nội bộ Xinsheng Community đầu năm nay, ông Nhậm và các giám đốc điều hành bàn về biện pháp cải cách, khắc phục hậu quả và đặt mục tiêu "tồn tại" lên hàng đầu.
Đối với các nhân viên lâu năm của Huawei, Nhậm Chính Phi thường được mô tả là "người dẫn dắt, lãnh đạo tinh thần ". Tuy nhiên, ông Nhậm không đồng tình với quan điểm đó. "Đóng góp lớn nhất của tôi chỉ là giúp công ty duy trì sức mạnh trong thời điểm khó khăn", ông nói.
Việt Anh (theo SCMP)