Theo báo cáo từ Counterpoint Research, kho chip HiSilicon mà Huawei dự trữ cho việc sản xuất smartphone hiện đã cạn kiệt. "Dựa trên dữ liệu và thống kê số lượng hàng đã bán, Huawei đã hoàn thành việc dọn kho chipset HiSilicon của mình", đại diện Counterpoint cho biết.
Cụ thể, thị phần mảng chip HiSilicon của Huawei đã về 0% trong quý III/2022, giảm từ 0,4% của quý II/2022 và 3% quý II/2021. Hãng hiện không thể nhập thêm các vi mạch tiên tiến từ đối tác trước đó như TSMC và Samsung do lệnh hạn chế của Mỹ.
Huawei chưa đưa ra bình luận.
HiSilicon là bộ phận chuyên sản xuất chip và các linh kiện bán dẫn của Huawei. Trước khi Mỹ đưa ra các lệnh trừng phạt, công ty chiếm 16% thị phần chip xử lý trên toàn cầu, theo dữ liệu quý II/2020 của Counterpoint. Khi đó, các mẫu chip Kirin được đánh giá cao nhờ sức mạnh và khả năng tiết kiệm năng lượng.
Theo số liệu từ Gartner công bố tháng 4, HiSilicon bị loại khỏi bảng xếp hạng 25 nhà cung cấp chất bán dẫn hàng đầu thế giới. Những hạn chế về nguồn cung cấp chip Kirin khiến hoạt động kinh doanh smartphone của Huawei chịu nhiều áp lực. Vào tháng 9, công ty ra mẫu Mate 50 mà không có tính năng 5G.
Huawei bị Mỹ đưa vào danh sách thực thể từ tháng 5/2019. Trước lệnh cấm, công ty luôn giữ vị trí dẫn đầu thị phần smartphone tại Trung Quốc và từng vươn lên dẫn đầu thế giới vào quý II/2020. Dù vậy, sau gần ba năm, mảng này tuột dốc không phanh.
Theo số liệu quý III/2022 của Canalys, Huawei không còn nằm trong top 5 nhà cung cấp smartphone lớn nhất Trung Quốc. Năm cái tên dẫn đầu thị trường này là Vivo, Oppo, thương hiệu điện thoại giá rẻ trước đây của Huawei là Honor, Apple và Xiaomi.
Huawei hiện tìm cách tăng doanh thu trong bối cảnh hoạt động kinh doanh smartphone ngừng trệ. Gần đây, hãng đã mở rộng các thỏa thuận cấp phép bằng sáng chế cho một số doanh nghiệp khác, trong đó có đối thủ Oppo.
Như Phúc (theo SCMP)