Hội nghị cấp cao Mỹ - Triều dường như đã trở lại đúng theo kế hoạch song Bình Nhưỡng đang cho thấy sự mất kiên nhẫn ngày càng tăng trước những phát ngôn từ Washington với luận điệu rằng điều mà lãnh đạo Kim Jong-un thực sự muốn, thậm chí còn hơn cả cam kết bảo đảm an ninh hạt nhân, là một Triều Tiên thịnh vượng theo kiểu Mỹ.
Kim Jong-un, người đang sốt sắng với cuộc gặp thượng đỉnh không khác gì Tổng thống Mỹ Donald Trump, mong muốn hội nghị diễn ra càng sớm càng tốt nhưng những nhận định cho rằng Kim Jong-un đột nhiên chuyển sang con đường ngoại giao trong vài tháng qua chứng tỏ lãnh đạo Triều Tiên đang khao khát viện trợ kinh tế từ Mỹ đã gây ra một vấn đề lớn cho ông, người không bao giờ muốn bị xem là đến hội nghị cấp cao để ngửa tay xin ân huệ từ Mỹ, theo AP. Nhận định này cũng có thể hoàn toàn sai lệch.
Đến nay, Triều Tiên vẫn quan tâm hơn đến việc cải thiện quan hệ thương mại với Trung Quốc, phao cứu sinh kinh tế của Bình Nhưỡng, và với Hàn Quốc, vốn được xem là "mỏ vàng tiềm năng" cho ngành du lịch và các dự án hợp tác liên Triều quy mô lớn.
Bình luận viên Eric Talmadge từ AP đánh giá thuyết phục Mỹ gỡ bỏ các lệnh trừng phạt để Bình Nhưỡng có thể theo đuổi những mục tiêu trên cũng như đảm bảo an ninh cho Triều Tiên dường như mới là điều quan trọng hơn trong tâm trí Kim Jong-un.
Dù vậy, cảm nhận về việc Triều Tiên khát khao viện trợ kinh tế từ Mỹ liên tục xuất hiện trong các thông điệp của Trump và các quan chức cấp cao ở Washington. Theo họ, tất cả những gì Kim Jong-un cần làm là cam kết phi hạt nhân hóa, rồi sau đó, các doanh nghiệp Mỹ sẽ sẵn sàng mang lại sự kỳ diệu cho nền kinh tế trì trệ của Triều Tiên.
"Tôi thực sự tin Triều Tiên có tiềm năng chói sáng và sẽ trở thành một cường quốc về tài chính và kinh tế vào một ngày nào đó. Kim Jong-un sẽ đồng ý với tôi về điều này", Trump viết trên Twitter hôm 27/5.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đưa ra lộ trình hỗ trợ kinh tế cho Triều Tiên một cách chi tiết hơn. "Chúng tôi có thể tạo ra các điều kiện mang lại sự thịnh vượng kinh tế thực sự cho người dân Triều Tiên, ngang ngửa với Hàn Quốc", ông nói trong cuộc trả lời phỏng vấn trên hình hồi đầu tháng 5.
"Đó không phải tiền thuế của người dân Mỹ. Đó sẽ là kiến thức, chuyên môn, các doanh nghiệp và những người dám chấp nhận rủi ro làm việc bên cạnh người dân Triều Tiên để tạo ra một nền kinh tế vững mạnh", Pompeo nhấn mạnh.
Ông cho rằng người Mỹ có thể giúp Triều Tiên xây dựng mạng lưới năng lượng, phát triển cơ sở hạ tầng và hỗ trợ công nghệ, trang thiết bị nông nghiệp tốt nhất để người dân Triều Tiên "có thịt ăn và có cuộc sống khỏe mạnh".
Bình luận viên Eric Talmadge nhận định Kim Jong-un rõ ràng không chấp nhận bất kỳ gợi ý nào từ Pompeo.
Đe dọa quyền lực
Dưới chính sách gây sức ép tối đa của Trump, các biện pháp trừng phạt quốc tế nhằm vào Triều Tiên đã ngày càng gia tăng về sức mạnh. Việc dỡ bỏ trừng phạt sẽ mở cánh cửa để Triều Tiên phát triển thương mại với Trung Quốc, Hàn Quốc và có thể cả Nga, những đối tác mà Bình Nhưỡng tin tưởng hơn so với Washington, cũng như giúp mở lối để Triều Tiên tiếp cận các định chế tài chính toàn cầu.
Điều mà Kim Jong-un không muốn là từ bỏ vũ khí hạt nhân chỉ để tạo điều kiện cho các doanh nhân và doanh nghiệp Mỹ ồ ạt đến đất nước ông. Đối với Bình Nhưỡng, viễn cảnh này không phải một sự mời gọi mà là mối đe dọa, Eric Talmadge nhận xét.
Mặc dù rất cần nguồn vốn đầu tư nước ngoài, Kim Jong-un có lý do hợp lý để thận trọng về các gói viện trợ kinh tế nói chung. Việc chào đón viện trợ chắc chắn sẽ kéo theo một mức độ gia tăng nào đó trong việc tiếp xúc với những thế lực phá rối bên ngoài, kêu gọi thay đổi, nới lỏng các kiểm soát và hạn chế. Tất cả những điều trên có thể được xem là mối đe dọa đến quyền lực của Kim Jong-un.
Thông điệp của Triều Tiên về vấn đề này rất rõ ràng. Gần như ngay sau khi Pompeo nói về kế hoạch nhằm tái thiết nền kinh tế Triều Tiên, Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất Triều Tiên Kim Kye-gwan đã lên tiếng đáp trả rằng Bình Nhưỡng không quan tâm đến kiểu giúp đỡ đó của Mỹ.
Ông tuyên bố: "Chúng tôi chưa bao giờ mong chờ sự hỗ trợ từ Mỹ trong việc thực hiện công cuộc xây dựng kinh tế của chúng tôi và cũng sẽ không bao giờ có một thỏa thuận như vậy với Mỹ trong tương lai".
Hôm 27/5, truyền thông nhà nước Triều Tiên cũng công kích ý tưởng của Mỹ, gọi các hãng tin Fox News, CBS và CNN là "truyền thông đâm thọc dựa hơi quyền lực" vì đã phát sóng những chương trình, trong đó, các quan chức Mỹ nói về nhưng gói viện trợ kinh tế quy mô đang chờ đợi Triều Tiên ra sao nếu Bình Nhưỡng hướng đến một quy trình giải giáp hạt nhân có thể xác minh và không thể đảo ngược.
Hồng Vân