Tôi thuộc thế hệ đầu 7X, ra trường đi làm đầu thập niên 90. Tôi còn nhớ thời đó lương công nhân chỉ khoảng 250-300 nghìn một tháng. Lương của người tốt nghiệp đại học cũng chỉ 500- 600 nghìn đồng.
Một phần cơm vỉa hè lúc đó 200 đồng. Vậy tổng tiền lương của người tốt nghiệp đại học tương đương 300 phần cơm.
Tôi đồng ý thời đó giá nhà cửa vẫn rẻ hơn bây giờ, nhưng đâu có dễ dàng kiếm được công việc? Thời đó làm gì có cái chuyện ngồi nhà làm việc online cho công ty trong và ngoài nước như bây giờ để lãnh lương, làm gì có cái chuyện ngồi nhà online bán hàng, dạy học, tư vấn các loại hình thức kiếm được tiền thuận lợi như bây giờ?
Muốn kiếm được tiền phải đến nơi làm việc, muốn mua bán phải có chỗ nhà mặt tiền kinh doanh. Bây giờ mọi thứ đều thuận lợi hỗ trợ để làm việc kiếm tiền nhưng ngược lại thích dành thời gian hưởng thụ hơn là làm việc.
Vậy thì đừng nên than vãn khi không có tiền mua nhà. Hãy nhìn những bạn bè đồng trang lứa tuổi với mình bây giờ họ phát triển như thế nào rồi, còn mình vẫn dậm chân tại chỗ. Như vậy là mình thua kém.
>> Dắt díu ở trọ sau khi bán nhà Sài Gòn tiền tỷ
Bên cạnh đó, nhiều bố mẹ cho con lên phố học tập và làm việc rồi lại bán đất ở quê để mua nhà thành thị. Các con đi làm cả chục năm, thu nhập cũng chẳng bằng số tiền bố mẹ bán đất để lo cho cái nhà. Nếu thế thì thà con cái chọn cái nghề gì học ở quê rồi ra đi làm gần nhà bố mẹ đỡ phải lo nhiều. Đất để lại, chờ tăng giá nhiều lần sau chục năm kiếm lời.
Đời mình còn chờ bố mẹ bán đất lo nhà cửa, với năng lực làm việc kiếm tiền như vậy thì lo cho con cái sau này ra sao? Làm sao mua được nhà co con như bố mẹ đã lo cho chính mình.
Người làm ra được của để dành hàng chục năm bây giờ phải bán đi lo cho con thì họ mới nuối tiếc, chứ con cái hưởng lợi từ tiền bán đất của bố mẹ có cảm nhận được gì.
Tôi cho rằng, những người chỉ chăm chăm vào tài sản của cha mẹ ở quê là không tự lực bản thân. Hãy làm hết khả năng của mình, nếu không được thì về quê sinh sống, lập nghiệp. Đừng cố gắng bám trụ lại thành phố rồi bòn rút tài sản của cha mẹ.
Hung 1289
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.