Thông tin này vừa được đại diện Bộ Tài chính chia sẻ sáng 30/6. Nhưng vị này chưa tiết lộ chi tiết mức giảm cụ thể với các loại thuế trên.
Nếu Thủ tướng phê duyệt, Bộ Tài chính sẽ trình phương án này lên các thành viên của Chính phủ.
Theo quy trình, dự thảo Nghị định giảm thuế phải xin ý kiến các bộ, ngành và sự thẩm định của Bộ Tư pháp. Sau khi tiếp thu, giải trình ý kiến Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính sẽ trình xin ý kiến Chính phủ. Giảm thuế là giải pháp cần được làm nhanh nên thường được thực hiện theo trình tự rút gọn, việc lấy ý kiến các bên có thể chỉ mất 3-5 ngày. Còn thời hạn thẩm định, thẩm tra là 7 ngày (giảm 8 ngày so với thông thường). Như vậy, thời gian lấy ý kiến và thẩm định dự thảo nghị định giảm thuế theo thủ tục rút gọn trước khi trình Quốc hội kéo dài từ 7 tới 27 ngày.
Tuy nhiên, việc quyết định giảm thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc thuế giá trị gia tăng thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Theo lịch thông thường, kỳ họp Quốc hội gần nhất vào tháng 10 năm nay.
Tuy chưa công bố phương án cụ thể song đây cũng là động thái ghi nhận hành động quyết liệt hơn của Bộ Tài chính để hạ nhiệt giá xăng dầu trong nước.
Giá bán lẻ xăng, dầu ngày một leo thang và đã tăng 65-70% so với cuối năm ngoái, đè nặng lên cuộc sống của người dân và doanh nghiệp. Khi đà tăng của thế giới chưa dừng lại, "van" Quỹ bình ổn đã cạn, việc giảm thuế phí, theo các chuyên gia, là giải pháp duy nhất hạ nhiệt giá xăng trong nước.
Mới đây, Bộ Tài chính cũng đã đề xuất giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường về mức sàn đối với xăng, dầu. Tuy nhiên, mức giảm thêm 1.000 đồng (xăng), 500 đồng (dầu), theo các chuyên gia, vẫn quá ít và không còn mấy tác dụng như đợt giảm thuế cách đây 3 tháng. Do đó, theo chuyên gia, việc giảm thêm các loại thuế khác như tiêu thụ đặc biệt và giá trị gia tăng (VAT) là cần thiết lúc này.
Hiện nay, bốn loại thuế đánh trên mỗi lít xăng, dầu gồm: thuế nhập khẩu 10%; thuế tiêu thụ đặc biệt (xăng RON 95 là 10%, E5 RON 92 là 8%, không thu thuế với các loại dầu); thuế bảo vệ môi trường (1.900-2.000 đồng với xăng; 1.000 đồng một lít với dầu) và thuế giá trị gia tăng (VAT) 10%.
Ngoài ra, giá bán lẻ còn có khoản lợi nhuận định mức 300 đồng mỗi lít xăng, dầu và chi phí định mức 1.050-1.250 đồng một lít xăng; 600-950 đồng một lít, kg tuỳ loại dầu.
Tính chung, mỗi lít xăng, dầu đang "cõng" khoảng 34-35% các loại thuế, chi phí trong cơ cấu giá bán lẻ, tuỳ thời điểm. Tức là, với mỗi lít xăng, một phần ba là tiền người tiêu dùng phải trả cho các loại thuế, chi phí.
Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt quy định xăng thuộc đối tượng chịu thuế từ năm 1995, còn dầu (mặt hàng phục vụ chính cho hoạt động sản xuất kinh doanh) không thuộc diện chịu thuế này. Đây là sắc thuế gián thu, đánh vào một số hàng hóa, dịch vụ Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng và cần sử dụng tiết kiệm. Xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo cần phải sử dụng tiết kiệm nên không riêng Việt Nam mà hầu hết quốc gia đều thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này.
So với nhiều nước, theo Bộ Tài chính đánh giá thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng của Việt Nam hiện ở mức trung bình thấp - thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới với Việt Nam như Lào, Campuchia, Trung Quốc.
Quỳnh Trang