Ông Phạm Ngọc Lãng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Viễn thông Hà Nội (Hanoi Telecom) - thành viên cùng điều hành HT Mobile thừa nhận, những thay đổi trong ngành thông tin di động toàn cầu trong năm qua đã ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng phục vụ khách hàng của hãng. Chính vì vậy, việc chuyển hướng kinh doanh là cách tốt nhất để đảm bảo quyền lợi của khách hàng, doanh nghiệp cũng như sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên tần số của Nhà nước.
"Việc chuyển đổi công nghệ từ CDMA sang GSM của HT Mobile là bất khả kháng bởi HT Mobile không thể tiếp tục chấp nhận cảnh kinh doanh lỗ và mục tiêu đề ra không đạt được", ông Lãng nhấn mạnh.
Các thuê bao của HT Mobile sẽ được chuyển sang mạng di động S-Fone nếu có nhu cầu. Ảnh: Hoàng Hà. |
HT Mobile cho hay khi chuyển đổi công nghệ, hãng vẫn giữ nguyên khoản đầu tư 650 triệu USD cho mạng lưới ban đầu. Trong đó, số tiền đầu tư cho hạ tầng trong năm 2008 là 150 triệu USD. Quá trình chuyển đổi kéo dài trong 6 tháng và hãng sẽ giữ nguyên đầu số 092 như hiện nay.
Tổng giám đốc điều hành của Hutchison Telecom - Dennis Lui đối tác trong liên doanh mạng di động HT Mobile khẳng định: "Chúng tôi đã có kinh nghiệm chuyển đổi công nghệ ở nhiều nơi trên thế giới trong đó có Hong Kong, do vậy công việc sắp tới mà chúng tôi thực hiện ở VN sẽ không gặp khó khăn".
Ra đời từ năm 1990, GSM hiện chiếm 85% thị trường di động với 2,5 tỷ thuê bao tại 218 quốc gia và lãnh thổ. Mỗi năm có 1 tỷ điện thoại tương thích được tiêu thụ, hơn 7 nghìn tỷ phút cuộc gọi được thực hiện và 2,5 nghìn tỷ tin nhắn SMS.
CDMA ra đời sau 7 năm (1997) và cũng đang có gần 50 quốc gia và vùng lãnh thổ sử dụng, với khoảng 500 triệu khách hàng. |
Ông cho hay, các thiết bị truyền dẫn, đường trục, hệ thống tổng đài... sẽ được cài đặt lại để tái sử dụng mạng e-GSM. Đối với những thiết bị không tương thích, hãng sẽ mang ra nước ngoài nơi có công nghệ CDMA mà Hutchison đầu tư và cung cấp.
Điều khiến nhiều người quan tâm hiện nay là số phận của hơn 200.000 khách hàng. Theo bà Trịnh Thị Minh Châu - Tổng giám đốc Hanoi Telecom, thời điểm hiện này khách hàng vẫn sử dụng dịch vụ bình thường. Khi các thủ tục pháp lý hoàn tất, HT Mobile sẽ công bố thời gian, kế hoạch chi tiết. "Để đảm bảo quyền lợi khách hàng, ngay từ ngày 16/2, chúng tôi đã ngừng tiếp nhận thuê bao mới", bà nói.
Theo bà, có hai phương án khách hàng mà khách hàng lựa chọn. Thứ nhất, khách hàng giữ nguyên số thuê bao và máy điện thoại và được chuyển sang mạng di động có cùng công nghệ CDMA là S-Fone. HT Mobile sẽ làm thủ tục chuyển đổi miễn phí, đồng thời giữ nguyên số tiền trong tài khoản và các dịch vụ giá trị gia tăng hiện nay. Nếu khách hàng không chấp nhận thì có thể lựa chọn cách thứ hai là chuyển sang công nghệ e-GSM. Trong trường hợp này, các thuê bao sẽ phải mua máy mới và hãng sẽ hỗ trợ một phần chi phí dưới nhiều hình thức như cộng tiền vào tài khoản, khuyến mãi...
"Tuy nhiên, cách tốt nhất là khách hàng nên chuyển sang sử dụng mạng di động S-Fone", bà Châu nhấn mạnh.
Mạng di động 092 - HT Mobile tham gia thị trường viễn thông ngày 15/1/2007. Với công nghệ CDMA 850MHz, HT Mobile đặt mục tiêu đạt 1 triệu thuê bao trong năm 2007. Tuy nhiên, sau một năm hoạt động, nhà khai thác này đã không đạt được kết quả như mong đợi, lượng thuê bao phát triển mới đạt con số 200.000. Đây chính là lý do dẫn đến sự "tháo chạy" khỏi thị trường công nghệ CDMA của HT Mobile.
Có ý kiến cho rằng vấn đề mấu chốt không hẳn thuộc về công nghệ mà chính là chiến lược kinh doanh bởi thực tế công nghệ CDMA được đánh giá khá cao trên thế giới. Một chuyên gia viễn thông nhìn nhận ngay cả khi việc chuyển đổi sang công nghệ e-GSM thành công thì sự "bỏ cuộc giữa chừng" của HT Mobile cũng sẽ để lại một vết đen trên thị trường viễn thông. Trên thực tế hai nhà khai thác có cùng công nghệ CDMA là S-Fone và EVN Telecom cũng rơi vào cảnh kinh doanh không mấy thuận lợi song họ vẫn tuyên bố tiếp tục đầu tư và quyết không rời bỏ khách hàng.
Việt Nam hiện có 6 nhà khai thác di động. Trong đó, 3 doanh nghiệp sử dụng công nghệ GSM gồm VinaPhone, MobiFone và Viettel. 3 nhà khai thác sử dụng công nghệ CDMA là S-Fone, EVN Telecom và HT Mobile. |
"Việc chuyển đổi công nghệ có thể giúp HT Mobile đạt được mục tiêu lợi nhuận song cái mất mát lớn nhất mà nhà khai thác này phải gánh đó là niềm tin của khách hàng", chuyên gia này nhấn mạnh.
Bà Trịnh Thị Minh Châu - Tổng giám đốc Hanoi Telecom thừa nhận: "Đây là bài học đau lòng và chúng tôi mong khách hàng chia sẻ khó khăn này". Theo bà, không chỉ khách hàng, Hanoi Telecom mà đối tác nước ngoài là Hutchison cũng là đơn vị chịu thiệt hại trong cuộc chuyển đổi này. Hutchison đã tin tưởng vào tương lai phát triển của thị trường VN khi quyết định bỏ ra cả 600 triệu USD để đầu tư.
"Chúng tôi không thể tiếp tục kiếp ăn đong, bòn nhặt từng đồng từ những khách hàng mà chúng tôi phải tặng máy, tặng sim, khuyến mãi cả tháng mới thuyết phục họ vào mạng", bà Châu nói.
Hồng Anh