- Ông hãy mô tả ngắn gọn về HSPA?
- HSPA (High-Speed Packet Access) là công nghệ truyền dẫn không dây di động, gồm hai giao thức HSDPA (High Speed Downlink Packet Access) và HPUSA (High Speed Uplink Packet Access). Công nghệ này được kiểm chứng về khả năng tương thích ngược với GSM và hiện đạt được tốc độ truyền tải dữ liệu là 3,6 Mb/giây và sắp tới là 7,2 Mb/giây.
Ông Ricardo Tavares. Ảnh: V.T. |
Phương thức hoạt động của hệ thống là tín hiệu thông tin được truyền đi từ trạm gốc qua ăng-ten đến các thiết bị đầu cuối như laptop, PDA, máy tính để bàn. Nhiều thiết bị đầu cuối đã được "nhúng sẵn" công nghệ HSPA bên trong. Nếu không có, thì các modem dạng USB hay card sẽ là phương tiện kết nối cắm ngoài. Hệ thống của các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc trường học, bệnh viện cần có router hoặc điểm truy nhập như hotspot kết nối với trạm gốc vô tuyến và đóng vai trò trạm lọc đưa đến 5-6 máy tính.
- Vì sao ông cho rằng HSPA sẽ chiếm ưu thế áp đảo về truy cập băng rộng trong một thời gian ngắn nữa?
- Tôi sẽ phân tích ở nhiều mặt. Về xu hướng, ngành công nghiệp di động đã tồn tại trong 20 năm và thế giới cũng có khoảng 3 tỷ người sở hữu thiết bị di động. Xu hướng phát triển của thế giới là dịch chuyển từ cố định sang di động vì giá rẻ hơn và dễ dàng hơn trong triển khai dữ liệu.
Có thể nói tốc độ của HSPA đủ cho nhu cầu của tất cả. Tôi ví dụ, với HSPA 3,6 Mb/giây thì chỉ cần mất 30 giây để tải 10 MB dữ liệu. Nhưng đến 2008, với HSPA 7,2 Mb/giây thì thời gian là 4 giây.
'WiMax chỉ là công nghệ được thổi phồng' |
Kết nối băng rộng di động đạt 40 triệu vào 2008 |
Điện thoại 3G và HSDPA mỏng nhất thế giới |
Hiện tại đã có tới 90 nhà cung cấp thiết bị đầu cuối có ứng dụng HSPA với khoảng 76 loại. Giá thành các thiết bị này cũng đang giảm rất nhanh, gần với người thu nhập thấp hơn. Năm nay, nhiều điện thoại hỗ trợ 3G có giá chỉ khoảng 100 USD và nó sẽ tiếp tục rẻ hơn nữa. Trong khi đó, nhu cầu truy nhập băng rộng lại tăng cực nhanh. Có thể bạn thấy WiMax được nói đến rất nhiều nhưng thực tế hoạt động thế nào thì cũng chưa rõ ràng. Còn HSPA đã tồn tại ở 150 mạng trên thế giới và đến cuối 2008 sẽ có hơn 50 triệu thuê bao. Vì thế chúng tôi dự báo trong 4 năm tới, HSPA có khoảng 70% thị trường với CDMA chiếm 20-25%. Còn WiMax sẽ ít thôi.
- Còn ở Việt Nam, HSPA sẽ có cơ hội thế nào?
- Tôi đánh giá Việt Nam là một thị trường khá thú vị với khoảng 10 triệu thuê bao điện thoại cố định (chiếm 10% dân số) và dùng điện thoại di động khoảng 23%. Mật độ dân số sử dụng Internet là 17% nhưng chỉ có 1% là sử dụng băng rộng. So với khu vực, Việt Nam vẫn là thị trường bậc thấp vì thoại hiện vẫn là dịch vụ cơ bản. GPRS có băng thông hạn chế, không phải là công nghệ đáp ứng được các nhu cầu về truy nhập dữ liệu băng rộng vì chỉ là ứng dụng không theo thời gian thực như chuyển e-mail đến máy đầu cuối thôi. Tất cả cho thấy truy cập dữ liệu băng rộng ở Việt Nam rất có tiềm năng. Và lợi thế của VN là GDP tăng trưởng rất nhanh.
- Như vậy theo ông thời điểm nào là thích hợp để Việt Nam cấp phép 3G?
- Năm 2008 là cái mốc hoàn hảo vì mọi điều kiện đã chín muồi. Thiết bị đầu cuối đã rẻ. Công nghệ phát triển khá cao. Nhu cầu người dân tăng lên... Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước phát triển nội dung. Vì đó là yếu tố sống còn của truy cập băng rộng. Chúng tôi cho rằng các chính phủ trong khu vực nên cấp phép cho băng 2,1 GHz để người dùng cuối có thể truy cập Internet tốc độ cao kèm theo dịch vụ đa phương tiện tiên tiến trên điện thoại di động và máy tính.
Chính phủ Việt Nam đang chuẩn bị lựa chọn 4 nhà cũng cấp. Dựa vào các chỉ số sử dụng thiết bị di động đầu cuối và những tính toán khác, tôi cho rằng đó là con số hợp lý, vừa đủ đáp ứng nhu cầu để không xảy ra tình trạng cầu vượt cung.
- Các nhà cung cấp sẽ phải cạnh tranh thế nào để cùng phát triển?
- Mỗi công ty sẽ phải có chiến lược riêng. Nhưng vấn đề là phải cân đối được giữa giá cả và tốc độ ngay từ đầu. Không thể để giá quá thấp khi chưa triển khai rộng rãi. Nếu không quá nhiều người tràn vào mạng sẽ gây sự cố kỹ thuật mà cần tạo ra mức giá phù hợp thu hút người sử dụng và giảm dần đồng thời tăng dung lượng lên theo. Quan trọng là đảm bảo tốc độ ổn định cao và giá thì thấp, cân đối với nhau. Hơn nữa, đối với mỗi phân khúc thị trường lại cần một chính sách khai thác khác nhau.
Nguyễn Hằng thực hiện