Vietcombank là một trong những ngân hàng có vốn Nhà nước mới đây đã tham gia cuộc đua tăng lãi suất huy động. Từ ngày 10/10, biểu lãi suất áp theo hướng tăng thêm 0,1- 0,3% ở một loạt kỳ hạn dưới một năm. Đây là lần tăng lãi suất thứ hai trong vòng một tháng qua của họ.
Trong đợt điều chỉnh này, Vietcombank tăng mạnh ở các kỳ hạn 3 và 6 tháng, theo đó tăng thêm 0,2% lên lần lượt ở mức 4,8% và 5,5% mỗi năm. Các kỳ hạn dưới 3 tháng cũng tăng thêm 0,1%, lên 4,4% một năm.
Tăng liên tiếp trong thời gian ngắn nhưng so với các nhà băng khối quốc doanh cũng như với toàn bộ hệ thống, lãi suất tại Vietcombank hiện vẫn ở mức thấp hơn khoảng 0,1-0,2%.
Một "ông lớn" khác là Agribank vừa nhập cuộc xu hướng tăng lãi suất tiền gửi. Theo biểu mới nhất, Agribank tăng từ 0,1-0,3% lãi suất huy động ở tùy kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn một tháng của nhà băng này tăng từ 4,3% lên 4,5% mỗi năm; kỳ hạn 2 tháng tăng từ 4,2% lên 4,5% một năm. Kỳ hạn 3 và 6 tháng tăng thêm 0,2% lên lần lượt 4,8% và 5,5% mỗi năm. Kỳ hạn 9 tháng được điều chỉnh thêm 0,1%.
Giao dịch tại một ngân hàng cổ phần ở TP HCM. Ảnh: Anh Tú |
Trước 2 ngân hàng này, VietinBank và BIDV cũng đã có đợt tăng lãi suất tiền gửi 0,2-0,3% tùy kỳ hạn. Với sự điều chỉnh trên, thậm chí lãi suất huy động ngắn hạn của nhóm 4 "ông lớn" ngân hàng còn cao hơn một số ngân hàng khối cổ phần.
Chẳng hạn, ở kỳ hạn một tháng, lãi suất của Vietcombank, Agribank, BIDV và VietinBank từ 4,4%-4,5% mỗi năm, cao hơn LienVietPostBank khi chỉ ở mức 4,3% một năm. Tương tự kỳ hạn 6 tháng, lãi suất của 4 "ông lớn" là 5,5% một năm, cao hơn 0,2% so với LienVietPostBank.
Đặc biệt, tại kỳ hạn 12 tháng, lãi suất tiền gửi tại BIDV hiện ở mức 6,9% một năm, bằng Sacombank và cao hơn nhóm ngân hàng cổ phần khác như ACB; Eximbank; Techcombank hay Lienvietpostbank... cùng ở mức 6,8% một năm.
Ở nhóm ngân hàng cổ phần, cách đây vài tuần cũng có một số đơn vị như VPBank, Techcombank... điều chỉnh tăng lãi suất 0,1-0,3% tùy kỳ hạn.
Dù lãi suất huy động được điều chỉnh tăng, hầu hết các chuyên gia nhìn nhận thanh khoản của hệ thống vẫn tốt, không có dấu hiệu căng thẳng. Theo đó, lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng hiện chỉ quanh mức 3% chứ không căng thẳng như đợt tháng 8, tháng 9 với mức trên 4% một năm. Do đó, các chuyên gia cho rằng thanh khoản tiền đồng vẫn ổn định và đây không phải là lý do khiến lãi suất tăng.
"Tín dụng cuối năm thường tăng cao, đặc biệt là cho vay ngắn hạn để phục vụ nhu cầu vốn lưu động của doanh nghiệp", Phó tổng giám đốc một ngân hàng nói. Tuy nhiên, theo vị này, lãi suất tăng chỉ mang tính cục bộ chứ khó thành xu hướng vì chỉ những ngân hàng nào còn room tín dụng mới đẩy mạnh hút vốn và cho vay dịp này.
Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc thị trường nguồn vốn và tiền tệ, HSBC Việt Nam phân tích thêm, xu hướng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất đã tạo áp lực lên tỷ giá USD/VND và cả lãi suất tiền đồng. Khi lãi suất của Mỹ còn tiếp tục tăng thêm một số lần trong năm 2019, để giữ khoảng cách giữa chênh lệch lãi suất USD và VND ở mức hấp dẫn, việc tăng lãi suất tiền đồng là điều cần thiết.
"Trong khi Ngân hàng Nhà nước phải bán USD ra can thiệp thị trường, lại có tình trạng một số doanh nghiệp găm giữ ngoại tệ trên tài khoản. Lãi suất huy động cần phải được điều chỉnh tăng để VND hấp dẫn hơn", ông Khoa nói.
Trong khi đó, tổng giám đốc một ngân hàng có trụ sở phía Nam nhìn nhận, lãi suất tiền đồng đang còn ở mức thấp để hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp. Nhưng trong bối cảnh áp lực tỷ giá vẫn còn, đồng USD mạnh lên và thị trường tiền tệ được dự báo biến động mạnh hơn, rất khó để giữ mức lãi suất như hiện nay. Xu hướng lãi suất nhích lên vào cuối năm và năm sau là khó tránh, nhưng ở mức độ nào còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
"Tin tốt là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát nên vẫn còn dư địa để Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lãi suất nhưng không quá nhanh, tạo những bước đệm an toàn cho nền kinh tế", ông nhìn nhận.
Tính trong 9 tháng đầu năm, tín dụng của hệ thống ngân hàng đã tăng khoảng 9,52%, trong khi huy động vốn mới tăng khoảng 9,15%. Với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 17%, nhiều ngân hàng thương mại còn dư địa đẩy mạnh cho vay dịp cuối năm nên đã tăng lãi suất để thu hút thêm tiền gửi từ thị trường, dân cư.
Tại buổi làm việc với UBND và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cuối tháng 8, Phó thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu các ngân hàng trên địa bàn tiếp tục tập trung vào tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục ổn định mặt bằng lãi suất và chưa đặt ra yêu cầu tăng hoặc giảm lãi suất huy động và cho vay.
Đại diện lãnh đạo một số ngân hàng cho rằng việc giảm lãi suất cho vay chỉ nên tính toán ở một số lĩnh vực, ngành nghề. Về cơ bản duy trì sự ổn định mặt bằng lãi suất huy động và cho vay như hiện nay là phù hợp với các diễn biến vĩ mô của nền kinh tế và đảm bảo hoạt động của hệ thống.
Lệ Chi