Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) gồm 10 nước ASEAN và 5 nước đối tác bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand vừa được ký kết hôm 15/11, khi có hiệu lực, sẽ bao phủ 30% GDP toàn cầu. Đây là mức ước tính khi RCEP-15, không có Ấn Độ.
Hiệp định cũng để ngỏ cơ hội tham gia cho Ấn Độ, quốc gia đã rút ra khỏi đàm phán tháng 11/2019. Và theo dự báo của HSBC, đến năm 2030, dù vẫn không có Ấn Độ, RCEP sẽ tạo ra thị trường chiếm khoảng 50% GDP toàn cầu.
Hiệp định này được bắt đầu đàm phán từ năm 2013 và diễn ra khá chậm chạp ở thời gian đầu. Tiến độ chỉ bắt đầu nhanh chóng hơn kể từ năm 2017, nhờ vào động lực lo ngại xu thế bảo hộ đang gia tăng ở nhiều nền kinh tế trên toàn cầu.
HSBC cũng đánh giá, những quốc gia được hưởng lợi chính từ RCEP có thể là Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan và Trung Quốc.
Ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam nhận xét, việc ký kết RCEP thể hiện niềm tin vào mở cửa thị trường sẽ dẫn tới tăng trưởng kinh tế cao hơn, xa hơn trong bối cảnh thương mại quốc tế còn nhiều bất ổn tiềm tàng. Hiệp định cũng có vai trò giúp phục hồi kinh tế hậu Covid-19.
"Thương mại nội khối của châu Á vốn đã lớn hơn thương mại giữa châu Á với Bắc Mỹ và châu Âu cộng lại, sẽ tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu và kéo trọng lực trung tâm kinh tế ngày càng gần lại châu Á", ông nói.
Văn kiện chính thức của RCEP chưa được công bố, tuy nhiên, theo thông tin hôm 15/11, hiệp định sẽ loại bỏ thuế quan và hạn ngạch đối với 65% hàng hoá thương mại trong khu vực. Trong vòng 20 năm tới, tỷ lệ dòng thuế quan bằng 0% vào năm hoàn thành là gần 90%.
RCEP cũng nhằm hợp lý hoá các thoả thuận thương mại chồng chéo mà hầu hết thành viên đã có với nhau. Điều này sẽ giúp giảm chi phí thương mại cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, RCEP còn là hiệp định thương mại đầu tiên giữa Nhật Bản và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn.
Hiệp định cũng thiết lập một quy tắc xuất xứ chung, cho phép các nhà xuất khẩu sử dụng nguyên liệu đầu vào có nguồn gốc từ các thành viên khác đủ điều kiện tiếp cận ưu đãi khi giao dịch trong khối. Điều này được HSBC nhấn mạnh là sẽ cung cấp một nền tảng cho tự do hóa hơn nữa trong thời gian sắp tới.
Bên cạnh các điều khoản chính liên quan đến thương mại hàng hoá, RCEP cũng bao gồm các chương về dịch vụ, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, cạnh tranh, mua sắm của Chính phủ... Dù các tiêu chuẩn thấp hơn các hiệp định thương mại tự do khác, RCEP vẫn cho thấy châu Á tiếp tục thúc đẩy tự do hoá thương mại trong bối cảnh các khu vực khác có sự hoài nghi và gia tăng bảo hộ.
Với ký kết ban đầu, tiếp theo RCEP cần có sự phê chuẩn của các quốc gia, ít nhất là 6 thành viên ASEAN và 3 đối tác, để có hiệu lực vào giữa năm tới.
Phương Ánh