Nguyên nhân được cho là ngành du lịch chậm phục hồi. Các dịch vụ liên quan đến du lịch, như chỗ ở và vận chuyển vẫn ảm đạm.
"Điều này không có gì đáng ngạc nhiên khi những hạn chế trong việc xuất nhập cảnh qua biên giới vẫn đang diễn ra, mặc dù Việt Nam đã có một số thỏa thuận đi lại với các nước láng giềng", báo cáo nêu và cho rằng sự phục hồi rõ nét trong ngành này khó có thể xảy ra trong thời gian tới, cho đến khi có một loại vaccine hiệu quả và một cách tiếp cận phối hợp toàn cầu về du lịch quốc tế.
Trong khi đó, HSBC dự báo lạm phát năm 2020 sẽ ở mức trung bình 3,3%, thấp hơn nhiều so với mức trần lạm phát mục tiêu 4% của Ngân hàng Nhà nước.
Mặc dù Việt Nam nổi lên mạnh mẽ từ đại dịch so với các nước khác, nhưng theo HSBC, nền kinh tế cần hỗ trợ cho những doanh nghiệp và người tiêu dùng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, hỗ trợ tài khóa bị hạn chế do tỷ lệ nợ công trên GDP của Chính phủ là 65%.
Ngân hàng này cho rằng thâm hụt tài khóa của Việt Nam sẽ tăng lên mức 5,2% GDP vào năm 2020. Đến 2021, thâm hụt sẽ cải thiện ở mức 4,6% GDP, đưa nợ công xuống dưới 60% GDP.
Bởi khả năng chính sách tài khóa hạn chế, chính sách tiền tệ đã làm hầu hết nhiệm vụ nặng nề để thúc đẩy tăng trưởng năm qua. Do kinh tế Việt Nam có khả năng phục hồi mạnh trong những quý tới, HSBC kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ nguyên chính sách tiền tệ cho đến quý I/2022, trước khi tăng lãi suất 0,25% vào quý III/2022.
Đánh giá chung về năm 2021, báo cáo tin rằng Việt Nam "vẫn là ngôi sao sáng", được hưởng lợi từ sự phục hồi do công nghệ dẫn đầu, dòng vốn FDI bền bỉ và nhiều hiệp định thương mại đã được ký kết
Điểm đáng lưu ý còn lại là thách thức của thị trường lao động. Mặc dù có một số cải thiện trong quý III/2020, tỷ lệ thất nghiệp vẫn tăng, đi cùng với mức lương thấp hơn. Nếu vẫn tiếp tục, điều này có thể sẽ dẫn đến chi tiêu tiêu dùng - trụ cột chính của tăng trưởng - mất thời gian phục hồi hơn.
Trong nghị quyết 01 ban hành đầu năm 2021, Chính phủ đặt mục tiêu GDP tăng trưởng khoảng 6,5%; GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45-47%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội khoảng 4,8%...
Viễn Thông