Hôm nay 8/6, Quốc hội đã phê chuẩn Hiệp định tự do thương mại châu Âu - Việt Nam (EVFTA). Điều này được HSBC Việt Nam cho rằng đã mở ra một chương mới trong mối quan hệ đối tác sâu rộng giữa nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á và khối thương mại lớn nhất toàn cầu.
Thị trường EU, với GDP trị giá 15.000 tỷ USD, là nơi xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. HSBC Việt Nam dự đoán, vị trí này sẽ được cải thiện một khi EVFTA có hiệu lực và khởi động quá trình loại bỏ 99% thuế quan lên hàng hóa.
Theo tính toán của HSBC, lợi ích mà EVFTA mang lại đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là rất lớn. Các chuyên gia ngân hàng này kỳ vọng, hiệp định có thể đóng góp trung bình 0,1% vào tăng trưởng thực của GDP mỗi năm (dao động từ 0-0,3%) chỉ nhờ vào các tác động thương mại tích cực. "Chúng tôi cho rằng dệt may và da giày sẽ là lĩnh vực hưởng lợi nhiều nhất do thuế áp lên khu vực này đang ở mức cao nhất", nhóm chuyên gia dự báo.
Năm 2019, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 9 tỷ USD hàng dệt may và da giày sang EU với thuế suất bình quân gia quyền là 9%. Tuy nhiên, hiệp định lại sớm hiệu lực trong thời điểm chuỗi cung ứng toàn cầu đang chịu sức ép chưa từng có từ việc gia tăng căng thẳng thương mại xuyên Thái Bình Dương và tác động của Covid-19, khiến khả năng hưởng lợi có thể ảnh hưởng.
Tuy nhiên, về mặt tổng thể, các chuyên gia cho rằng EVFTA thực thi lúc kinh tế khó khăn lại càng giá trị. "Hiện nay, trong bối cảnh các cuộc chiến thương mại và đại dịch toàn cầu phá vỡ các hoạt động kinh doanh thông thường ở quy mô chưa từng có, việc thực thi Hiệp định EVFTA trở nên quan trọng hơn bao giờ hết", ông Nicolas Audier, Chủ tịch EuroCham nói.
Đồng thời, ông Nicolas Audier cũng cho rằng, EVFTA sẽ mở ra một kỷ nguyên mới với thương mại và đầu tư gia tăng, bắt đầu quá trình loại bỏ gần 99% các dòng thuế và rào cản thương mại trong vòng mười năm tới. Hiệp định này cũng sẽ mở ra thị trường mới cho đầu tư và đổi mới của châu Âu, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững tại Việt Nam.
Trước đó, vào cuối tháng 2/2020, khi Covid-19 đang ở cao điểm và nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi gián đoạn chuỗi cung ứng từ Trung Quốc, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, đại dịch là thời điểm nghĩ thêm đa dạng hóa thị trường. Trong đó, châu Âu, với EVFTA là đáng cân nhắc.
EVFTA một mặt tạo ra cơ hội mới, bảo vệ các nhà xuất khẩu Việt Nam nhưng để tận dụng hết cơ hội thì theo HSBC cần cải tổ và thiết kế lại chuỗi cung ứng. Lấy ví dụ về lĩnh vực kỳ vọng hưởng lợi nhất là dệt may, HSBC cho rằng, hiện sản phẩm của nhiều doanh nghiệp ĩnh vực này chưa đạt đủ tỷ lệ nguyên liệu đầu vào trong nước đáp ứng quy định của EU về xuất xứ hàng hóa.
"Chính phủ và doanh nghiệp cần chung tay hợp tác để mở rộng ngành dệt may nội địa, bao gồm sản xuất các nguyên liệu đầu vào thay vì nhập khẩu từ những nước khác, nếu chúng ta muốn tận dụng hết lợi thế từ hiệp định", nhóm chuyên gia HSBC khuyến nghị.
Ngoài ra, để doanh nghiệp có thể hiện thực hóa tiềm năng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Chính phủ cần hỗ trợ ngành công nghiệp phụ trợ trong việc áp dụng các tiêu chuẩn toàn cầu; chỉ dẫn các doanh nghiệp về khung pháp lý mới, những cam kết của Việt Nam trong EVFTA, như các cam kết về môi trường, bảo vệ sở hữu trí tuệ và xuất xứ...
Hiện nay, Việt Nam đang có một số thuận lợi, bao gồm việc được xem là một trong các phương án dự phòng khi các công ty đa quốc gia buộc phải thay đổi chuỗi cung ứng do căng thẳng thương mại. Sự kiểm soát hiệu quả đối với đại dịch cũng nâng cao vị thế của Việt Nam và đảm bảo việc sẵn sàng mở cửa kinh tế trở lại trước những quốc gia khác.
HSBC cũng tiếp tục dự báo Việt Nam vẫn có tăng trưởng dương trong năm 2020, góp phần đảm bảo vị thế hấp dẫn đối với các công ty đang muốn tiến vào thị trường tiêu dùng trong nước và khu vực. "Và giờ đây, hiệp định mới này sẽ giúp Việt Nam có được đặc quyền tiếp cận 450 triệu người tiêu dùng trong khối Liên minh châu Âu", các chuyên gia của HSBC nhìn nhận.
Viễn Thông